Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, mùa hè năm ngoái, cô Alice Wang đã đăng ký 4 môn học cho con gái 10 tuổi gồm toán học, văn học Trung Quốc, cello và ba lê. Năm nay, cô bé chỉ có thể học 2 bộ môn trong số đó do chính sách cấm dạy thêm ngoài trường học. Song dù bị siết chặt, nhu cầu bổ trợ kiến thức cho con cái từ các bậc phu huynh vẫn rất mạnh mẽ. Họ lo lắng con mình có thể bị tụt lại phía sau.
Wang cho biết cô nhận thấy kết quả học tập của con gái giảm sút rõ rệt kể từ khi có quy định mới. Chẳng hạn, cô bé không còn nằm trong top 10 học sinh giỏi nhất lớp toán, từng là thành tích cần có đối với học sinh chuẩn bị vào lớp 5 trong học kỳ tới. Trong 2 năm, cô bé sẽ phải cạnh tranh khốc liệt để được tuyển vào một trường trung học cơ sở có tiếng.
“Con bé đang có cảm giác chểnh mảng và khủng hoảng”, Wang nói và cho biết cô đã quyết định cho con tham gia các lớp học thêm trong kỳ nghỉ hè. Cô đã tìm được một giáo viên thông qua giới thiệu của các phụ huynh khác. Theo Wang, giáo viên này đã tổ chức dạy thêm tại nhà riêng bí mật.
“Theo như tôi biết, những học sinh có thành tích tốt cùng lớp con gái tôi đều đang tham gia các lớp học thêm. Có một cậu bé được gọi là thiên tài trong lớp, cậu bé này sắp hoàn thành học chương trình vật lý cấp 2 vào mùa hè này”, Wang kể. Phụ huynh này cho biết chính sách của Trung Quốc đã giúp giải phóng học sinh khỏi những lớp học đông đúc, nhưng thực sự đang làm tăng gánh nặng tài chính cho các bậc cha mẹ. Mức học phí tại lớp học thêm chui “một cô một trò” mà cô Wang cho con theo học đã tăng gấp đôi.
Vào cuối tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc đã áp lệnh cấm hoạt động dạy thêm thu lợi nhuận đối với các môn học như toán và tiếng Anh, giáng đòn mạnh vào ngành dạy thêm tư nhân đang phát triển mạnh. Động thái này nhằm giảm bớt gánh nặng học hành lên vai học sinh, những người thường bị cha mẹ ép đi học thêm để có thể nổi bật trong một xã hội vô cùng cạnh tranh.
Song theo giới chuyên gia, nếu không có những thay đổi đối với hệ thống kỳ thi quốc gia, thì nhu cầu học thêm để cải thiện thành tích vẫn sẽ tăng cao. Hiện nay, kỳ thi quốc gia chỉ sử dụng điểm số để quyết định học sinh có đủ tiêu chuẩn xét tuyển vào một trường học hay trường đại học tốt hay không.
Ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết: “Nhu cầu dạy thêm ngoài trường học sẽ còn tiếp diễn vì nhiều trường vẫn xét tuyển dựa vào điểm thi. Điều cần thiết không phải là áp lệnh cấm dạy thêm, mà cần phải cải cách hệ thống đánh giá hiện tại”.
William Li điều hành một công ty tư vấn giáo dục ở Thành Đô, thường giúp các gia đình đưa ra quyết định về trường học và ngành học, đồng thời cung cấp dịch vụ dạy thêm. Li cho biết vấn đề lớn nhất mà ngành này đang phải đối mặt là tình trạng cạn kiệt nhân tài, vì các giáo viên sẵn sàng đi dạy gia sư cho các lớp học “chui”. Anh nói: “Mỗi giáo viên có thể kiếm 800 nhân dân tệ ở lớp dạy thêm chui, trong khi một lớp học thông thường chỉ trả họ khoảng 300 nhân dân tệ”.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, tính đến cuối tháng 2, số lượng các công ty cung cấp dịch vụ dạy thêm đã giảm mạnh 92%, từ khoảng 124.000 trước khi siết chặt vào tháng 7/2021 xuống còn 9.728.
Ở trung tâm công nghệ cao Zhongguancun - được mệnh danh là “lò dạy thêm của thế giới”, không có công ty dạy thêm nào tổ chức dạy các môn trong trường học. Lễ tân của tòa nhà cho biết trước khi có lệnh cấm, trung tâm có hàng chục giáo viên. Lệnh cấm đã tác động mạnh mẽ đến ngành dạy thêm và các công ty đang phải chuyển hướng để kiếm sống.
Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ New Oriental – cơ sở đã đóng cửa khoảng 1.500 trung tâm dạy thêm, đang trở thành một ngôi sao mới nổi trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử phát trực tiếp. Giáo viên tiếng Anh Dong Yuhui của công ty hiện là người dẫn chương trình quảng cáo nhiều loại hàng hóa - từ sách, chảo nấu ăn, bít tết, tôm – thông qua video phát trực tuyến.
Các đối thủ khác cũng đang để mắt đến xu hướng tương tự. Tuần trước, công ty dạy thêm TAL Education đã phát động cuộc thi phát trực tiếp để lựa chọn những người dẫn chương trình xuất sắc. Một hướng đi mới khác cho các công ty gia sư là phần cứng. Youdao Inc thuộc sở hữu của NetEase đã tung ra một loạt sản phẩm - bao gồm bút từ điển, dịch văn bản, máy in di động và từ điển thông minh.
Công ty Yuanfudao cũng đã phát triển tiện ích bài tập thông minh với màn hình E Ink. Zuoyebang đã chuyển sang sản xuất đồng hồ thông minh và tai nghe chống ồn.
ByteDance là một trong những công ty chuyển sang lĩnh vực tiện ích giáo dục sớm nhất với sản phẩm đèn thông minh đặc trưng, cho phép cha mẹ gọi điện video cho con cái họ đang làm bài tập ở nhà.
Chuyên gia Xiong tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 cho rằng bất kể các công ty đang chuyển sang kinh doanh theo hướng nào, cần có môi trường pháp lý hỗ trợ tích cực, miễn là hợp pháp.