Nhà Trắng ngày 19/7 trên thực tế đã bác đề nghị của hai nghị sĩ Quốc hội Mỹ đòi Tổng thống Barack Obama cân nhắc việc chuyển địa điểm tổ chức Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ra khỏi Nga nếu Moscow không bắt giữ và dẫn độ về Mỹ cựu nhân viên Cục tình báo trung ương (CIA) Edward Snowden. Hình ảnh Edward Snowden gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền ở sân bay Moscow ngày 12/7/2013. Ảnh: EPA |
Theo hãng thông tấn Nga ITAR-TASS, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Washington, bình luận đề nghị nói trên của Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Lindsey Graham và Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Charles Schumer, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney khẳng định rằng "ý định của Tổng thống Obama là đến St. Petersburg vào tháng 9 tới để tham dự Hội nghị G-20", do Nga chủ trì.
Đề nghị của hai nghị sĩ Mỹ nói trên không có hiệu lực bắt buộc. Ngoài ra, hiện triển vọng đề nghị này được thông qua tại Quốc hội Mỹ là không rõ ràng.
* Nga hy vọng vụ Snowden không ảnh hưởng quan hệ với Mỹ Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov cho biết Nga hy vọng tình hình xung quanh vụ Snowden sẽ không ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương với Mỹ.
Ông Peskov nêu rõ một số phương tiện truyền thông của Mỹ dựa vào các nguồn giấu tên đã loan tin về khả năng Mỹ hủy chuyến thăm Nga của Tổng thống Obama, song Moscow không nhận được bất cứ thông tin chính thức nào để khẳng định điều này. Ông nhấn mạnh, do đó, công tác chuẩn bị cho chuyến thăm này vẫn diễn tiến theo đúng kế hoạch cả về mặt tổ chức cũng như về nội dung.
Đề cập khả năng cựu nhân viên CIA Snowden có thể xin nhập quốc tịch Nga, ông Peskov cho biết "bất cứ đơn xin nhập quốc tịch nào của bất cứ ai cũng đều sẽ được xem xét".
Vụ bê bối tiết lộ thông tin tình báo mật của Mỹ mà Snowden là tâm điểm đã làm căng thẳng quan hệ của các cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga, một số nước Mỹ Latinh…
TTXVN/Tin tức