Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại khu vực châu Mỹ và một số điểm nóng tại các châu lục khác, làm gia tăng hoài nghi về khả năng thế giới sẽ sớm trở lại trạng thái bình thường.
Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh, ghi nhận 2.464.551 ca mắc, trong đó có 124.331 ca tử vong. Trong bối cảnh dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại, ngày càng nhiều bang của Mỹ như Washington, California hay Bắc Carolina... đã đưa ra yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở những nơi công cộng.
Công viên giải trí Disneyland tại bang California đã phải hoãn kế hoạch mở cửa trở lại trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây đang tăng nhanh. Khu nghỉ dưỡng gần Los Angeles, trong đó có hai công viên là Disneyland và Disney California Adventure, ban đầu dự định mở cửa đón khách trở lại vào ngày 17/7 tới và đang chờ được chính quyền phê duyệt đề xuất này. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, Disney nêu rõ giới chức California sẽ không ra chỉ thị mở cửa trở lại khu nghỉ dưỡng trước ngày 4/7, khiến hai công viên trên không có đủ thời gian để kịp nối lại vận hành theo kế hoạch đã định. Hiện Disney cũng chưa thông báo thời điểm mới có thể mở cửa trở lại các địa điểm này.
Tại Canada, tỷ lệ mắc COVID-19 có xu hướng tăng ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên đang làm dấy lên tâm lý lo ngại về nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh khi các nhà trẻ và trường học tại nước này mở cửa trở lại. Mặc dù nhóm người ở độ tuổi dưới 20 khi mắc COVID-19 thường có triệu chứng nhẹ và ít bị biến chứng nghiêm trọng so với nhóm người cao tuổi, nhưng một số chuyên gia lo ngại số ca nhiễm gia tăng ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên sẽ khiến dịch bệnh lây lan mạnh sang các nhóm dễ bị tổn thương.
Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan cho rằng dịch COVID-19 tại châu Mỹ vẫn chưa lên tới giai đoạn đỉnh điểm và châu lục này sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca tử vong trong vài tuần tới.
Các quan chức WHO nhấn mạnh có một thực tế cần lưu ý là châu Mỹ đang trong mùa cúm, do đó, dễ có sự nhầm lẫn giữa những bệnh nhân cúm thông thường và bệnh nhân COVID-19 khi số ca bệnh về đường hô hấp gia tăng. Tuy nhiên, hệ thống giám sát bệnh hô hấp ở châu Mỹ cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có kết quả dương tính với các loại cúm khác là vào khoảng 30 - 40%.
Trong khi đó, châu Âu đang chứng kiến sự gia tăng số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kể từ khi các quốc gia trong khu vực bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.
Trao đổi với báo giới ngày 25/6, Giám đốc khu vực châu Âu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge cho biết tuần trước, châu lục này đã ghi nhận sự gia tăng số ca mắc COVID-19 hằng tuần lần đầu tiên trong những tháng qua. Ông cho biết hơn 20 quốc gia châu Âu đã chứng kiến sự tái bùng phát số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Ngoài ra, có 30 nước cũng ghi nhận số ca nhiễm mới lũy kế tăng trong 2 tuần qua; tốc độ dịch bệnh lây lan nhanh chóng tại 11 nước trong số này đã khiến tái bùng phát số ca mắc và nếu không có biện pháp ngăn chặn, hệ thống y tế tại châu Âu có nguy cơ lại phải đối mặt với tình trạng quá tải. Hiện châu Âu tiếp tục ghi nhận trung bình gần 20.000 ca mắc mới và hơn 700 ca tử vong mới do dịch COVID-19 mỗi ngày.
Ở khu vực Trung Đông, Iran ngày 25/6 thông báo ghi nhận thêm 134 ca tử vong do dịch COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 10.130 ca. Bộ Y tế Iran xác nhận đây là ngày thứ 7 liên tiếp nước này có hơn 100 ca tử vong trong một ngày. Trong 24 giờ qua, Iran đã ghi nhận thêm 2.595 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 215.096 ca. Tỷ lệ nhập viện cao nhất là tại các tỉnh Bushehr, Hormozgan, Kermanshah, Khuzestan và Kurdistan. Quan chức này kêu gọi người dân tuân thủ các quy định y tế, đặc biệt là người lớn tuổi và có bệnh nền, đồng thời hối thúc trẻ em và thanh niên không nên tụ tập đông người, duy trì giãn cách với những người lớn tuổi.
Trong khi đó, Bộ Y tế Israel cho biết đã ghi nhận thêm 532 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 22.044 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày kể từ ngày 22/4. Số ca tử vong vẫn ở mức 308 ca. Trước đó, Chính phủ Israel đã thông qua quy định cho phép cơ quan an ninh nội địa Shin Bet truy vết và phát hiện các ca nhiễm mắc COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Israel cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại một thị trấn ở miền Trung và một số khu vực quanh thành phố Tiberias, nơi có số ca nhiễm rất cao.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 19 ca mắc COVID-19, gồm 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca nhập cảnh. Trong số các ca lây nhiễm cộng đồng, 13 ca được ghi nhận ở thủ đô Bắc Kinh và 1 ca ở tỉnh lân cận Hà Bắc. Trong 5 ca nhập cảnh có 3 ca ở tỉnh Cam Túc, 1 ca ở tỉnh Quảng Đông và 21 ca ở tỉnh Thiểm Tây.
Hàn Quốc ngày 25/6 ghi nhận số ca nhiễm mới đã giảm xuống dưới 30 ca, song nước này vẫn đề phòng nguy cơ bùng phát đợt dịch mới trong bối cảnh số ca nhiễm từ nước ngoài và tại các ổ dịch trong nước tiếp tục gia tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), nước này ghi nhận thêm 28 ca mắc COVID-19, trong đó có 23 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 5 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.563 người.
Trong số các ca nhiễm mới, 18 ca được ghi nhận ở thủ đô Seoul và các vùng lân cận, 4 ca ở thành phố Daejeon, cách Seoul khoảng 160 km về phía Nam. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong ở nước này do COVID-19 lên 282 ca. 10.974 bệnh nhân đã khỏi bệnh và được xuất viện. Theo KCDC, vùng đô thị Seoul đang hứng chịu một đợt dịch thứ 2, đồng thời cảnh báo Hàn Quốc cần nỗ lực cho một cuộc chiến lâu dài chống COVID-19. Giới chức y tế cảnh báo có thể xem xét mở rộng trên phạm vi cả nước các biện pháp phòng dịch chặt chẽ hơn hiện đang được áp dụng tại vùng đô thị Seoul.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia đã ghi nhận thêm 1.178 ca mắc bệnh viêm đường hô hâp cấp COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 50.187 người. Theo giới chức y tế Indonesia, tổng số ca tử vong cũng tăng lên 2.620 người sau khi có thêm 47 người tử vong.
Số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng lên khi Chính phủ Indonesia đang cho phép các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong bối cảnh áp lực kinh tế gia tăng. Indonesia đã cho phép các cơ quan, văn phòng, nhà hàng và trung tâm mua sắm được mở cửa trở lại nhưng chỉ 50% nhân viên được làm việc. Giao thông công cộng cũng được nối lại hoạt động. Do nhiều người bày tỏ lo ngại về việc mở cửa trở lại nói trên, Chính phủ Indonesia có kế hoạch triển khai 340.000 nhân viên an ninh nhằm đảm bảo người dân tuân thủ các quy định về y tế khi các biện pháp hạn chế dần dần được dỡ bỏ cho đến tháng 7 tới.
Tại Philippines, tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 33.069 người sau khi Bộ Y tế nước này ngày 25/6 ghi nhận thêm 778 người nhiễm mới. Đã có thêm 255 người khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 8.910 người. Số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines cũng tăng lên 1.212 người sau khi có thêm 8 người không qua khỏi.