Nghĩa trang có lẽ là nơi cuối cùng người ta nghĩ đến khi chọn địa điểm mở quán cà phê. Nhưng ở thủ đô Berlin và một số thành phố khác ở Đức, xu hướng này lại đang phát triển. Cà phê nghĩa trang mang lại không chỉ chút an ủi cho tang quyến mà còn là khoảng không gian lý tưởng cho những ai thích sự tĩnh lặng.
Nơi kết nối hai thế giới âm - dương
Làm phục vụ tại quán cà phê Strauss trong nghĩa trang Friedrichwerderscher Friedhof thuộc quận Kreuberg ở Berlin, cô Johanna Helmberger thường xuyên phải trả lời câu hỏi kiểu như “Có người chết được chôn ở đây không?”. Mỗi lần như vậy, Johanna lại nén cười trả lời: “À vâng, người ta chôn người chết ở ngay đây”. Tuy nhiên, điều đó không khiến nhiều khách e ngại mà họ thậm chí còn hứa sẽ quay lại.
Toàn cảnh quán cà phê Strauss trong nghĩa trang. Ảnh: dhnet.be |
Quán Strauss phục vụ nhiều loại khách. Khách hàng thường xuyên là những người đi thăm mộ người thân, nhân viên làm việc trong nghĩa trang hoặc các tu sĩ. Ngoài ra, người dân trong khu vực và khách du lịch cũng hay vào uống cà phê.
Đến Strauss một chiều mùa đông mưa rét, quán vẫn đông khách đủ thành phần, từ các cụ về hưu, người trung niên, thanh niên cho đến những bà mẹ bồng theo con nhỏ. Ngồi trong quán cà phê nhìn ra ngoài, khung cảnh là những tấm bia đá ướt nước mưa trên ngôi mộ lạnh lẽo, ảm đạm. Nhưng tiếng trò chuyện trong quán đã át đi sự u buồn đó.
Strauss có vẻ mộc mạc kết hợp với vẻ đẹp kiến trúc của nhà thờ với tường trắng, cột vuông vắn và cửa sổ vòm cao. Vợ chồng Olga và Martin Strauss đã mở quán cà phê này từ hồi tháng 5/2013. Thực đơn đồ uống cũng giống như các quán cà phê bình thường khác gồm trà và nhiều loại cà phê, bánh ngọt, bánh sandwich. Điều khác biệt duy nhất là quán nằm ngay cạnh nơi yên nghỉ của rất nhiều người.
Khởi nguồn xu hướng cà phê nghĩa trang
Finovo trong khuôn viên nghĩa trang St Matthäus ở quận Schöneberg của Berlin là quán cà phê nghĩa trang đầu tiên ở Berlin. Ông Bernd Bossman, một diễn viên 53 tuổi, đã mở Finovo năm 2006 và mô hình này đã được nhân rộng từ đó.
Ông Bossman nói: “Người ta luôn nghĩ về những người đã chết. Nhưng cũng phải dành chút quan tâm tới những người bảo vệ nghĩa trang và những người thăm viếng mộ”. Đó là lý do ông Bernd nảy ra ý định mở quán cà phê ở nơi lạ lùng này. Ông nói: “Khách cần ăn uống, vào nhà vệ sinh nhưng điều quan trọng nhất là họ cần nói chuyện”.
Bàn trong Finovo được trải khăn thêu tay. Ngưỡng cửa sổ được treo rất nhiều đồ trang trí lặt vặt. Đồ đạc trong quán là sự pha trộn nhiều phong cách chứ không đồng bộ. Ông Bossman tiết lộ: “Toàn bộ đồ đạc là do khách tặng cho quán. Những thứ mà họ không cần nữa hoặc là những thứ của người đã khuất”. Đôi khi, có khách phát hiện ra họ đang uống cà phê từ chiếc tách từng thuộc về người bà đã mất của mình.
Chính quyền Berlin coi quán cà phê là một cách để thu hút thêm nhiều người tới nghĩa trang. Tuy nhiên, họ có quy tắc để đảm bảo giữ được sự tôn nghiêm của khu vực. Các quán cà phê không được quảng cáo trên con phố bên ngoài nghĩa trang và giờ mở cửa phải trùng với giờ mở nghĩa trang.
Dù phải hoạt động theo quy định này nhưng vẫn có nhiều quán cà phê tương tự được khai trương. Sắp tới, sẽ có hai quán cà phê được mở trong nghĩa trang ở Berlin, trong đó có nghĩa trang Dorotheenstädtischer Friedhof nổi tiếng ở trung tâm Berlin - nơi chôn cất nhà văn Heinrich Mann và nhà soạn kịch Bertolt Brecht.
Cà phê nghĩa trang đã vượt ra ngoài phạm vi Berlin khi thành phố Munich cũng “rục rịch” chuẩn bị đón một quán cà phê mới kiểu này. Mặc dù người ta có thể gọi đây là một xu hướng nhưng những quán cà phê nghĩa trang sẽ không bao giờ hấp dẫn những đám đông tiệc tùng. Ông Bossman nhận xét: “Những người e ngại những gì liên quan đến cái chết sẽ không thích đến đây”.
Thùy Dương