Tuyên bố này được đưa ra tại Hội nghị cấp cao về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, một trong những cuộc họp quan trọng của các nhà lãnh đạo thế giới được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 78 đang diễn ra tại New York, Mỹ.
Tuyên bố "Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC): Mở rộng tham vọng của chúng ta về sức khỏe và hạnh phúc trong thế giới hậu COVID" được đánh giá là chất xúc tác quan trọng để cộng đồng quốc tế thực hiện những hành động mạnh mẽ và táo bạo, cũng như huy động các cam kết chính trị cần thiết và các khoản đầu tư tài chính để đạt được mục tiêu UHC trong các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) từ nay đến năm 2030.
Tuyên bố trên nhằm đánh giá năng lực của các quốc gia trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận phổ cập các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo rằng mọi người đều có thể nhận được dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết mọi lúc, mọi nơi mà không gặp phải gánh nặng tài chính. Văn kiện này cũng đề cập đầy đủ các dịch vụ chính từ nâng cao sức khỏe đến phòng ngừa, bảo vệ, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm đau.
Hiện có ít nhất 4,5 tỷ người, hơn một nửa dân số thế giới, không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu vào năm 2021. Thế giới có 2 tỷ người gặp khó khăn về tài chính, với trên 1,3 tỷ người bị đẩy vào hoặc lún sâu trong cảnh nghèo khổ chỉ hy vọng có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cơ bản. Thực tế này phản ánh rõ ràng sự bất bình đẳng về y tế ngày càng gia tăng.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Sau cùng, bảo hiểm y tế toàn dân là một lựa chọn, một lựa chọn chính trị”. Ông cho rằng tuyên bố chính trị vừa được thông qua là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các nhà lãnh đạo thế giới đang đưa ra lựa chọn đó, nhưng cần được thể hiện qua các quyết định về ngân sách và chính sách. Ông nhấn mạnh tuyên bố chính trị này cần được hiện thực hóa bằng cách đầu tư vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, khẳng định đó là lộ trình toàn diện, công bằng và hiệu quả nhất để đạt được bao phủ y tế toàn dân.
Ước tính cần thêm 200 đến 328 tỷ USD đầu tư mỗi năm để tăng cường và mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các nước thu nhập thấp và trung bình, qua đógiúp các hệ thống y tế đáp ứng được tới 90% các dịch vụ y tế thiết yếu, cứu sống ít nhất 60 triệu người và tăng tuổi thọ trung bình thêm 3,7 năm vào năm 2030.
Sau khi được ĐHĐ LHQ thông qua, quá trình thực hiện tuyên bố chính trị này sẽ được giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện những lỗ hổng, đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Nội dung này sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao về Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2027.