Dịch bệnh COVID-19 'âm ỉ' trên khắp nước Mỹ khi mùa cúm tới

Khi nước Mỹ đang tiến gần tới mốc đáng buồn - 200.000 ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đại dịch nguy hiểm này không còn chỉ tập trung tại một hay hai "tâm chấn".

Thay vào đó, nó đang âm ỉ lây lan khắp các bang, làm dấy lên lo ngại rằng khi thời tiết chuyển lạnh, số ca nhiễm có thể tăng mạnh hơn trong những tháng mùa Thu và mùa Đông sắp tới.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Detroit, Michigan, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trung bình mỗi ngày, nước Mỹ ghi nhận hơn 800 người tử vong do virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19,  trong khi con số này chưa đến 15 người/ngày ở Australia, Canada, Đức, Israel, Italy và Vương quốc Anh. Mặc dù số ca mắc mới giảm khoảng 50% so với mức đỉnh điểm hồi tháng 7, song Mỹ vẫn ghi nhận trung bình gần 40.000 ca mắc mới/ngày, cao nhất trong các nước phát triển. 

Trong một cuộc thảo luận với các bác sĩ tại Trường Y Havard vào đầu tháng này, ông Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cho biết ông hy vọng số ca mắc mới sẽ giảm xuống dưới 10.000 ca/ngày trước khi mùa cúm bắt đầu vào tháng 10 tới. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải kiên trì và nỗ lực vượt qua mùa Thu và mùa Đông này, bởi điều này sẽ không dễ dàng... Đừng bao giờ đánh giá thấp tác động tiềm tàng của đại dịch (COVID-19). Và đừng cố gắng và chỉ nhìn vào mặt tích cực". 

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Robert Redfield cũng cảnh báo người dân Mỹ đang chuẩn bị đối mặt với "mùa Thu tồi tệ nhất, từ góc độ sức khỏe cộng đồng", viện dẫn mối lo ngại kịch bản "nguy cơ kép" - đó là sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và cúm mùa khiến các bệnh viện quá tải.

Các ca mắc COVID-19 tại Mỹ đang có xu hướng tăng lên tại khoảng 20 trong tổng số 50 bang, trong đó có cả các khu vực từng là tâm dịch như New Jersey và New York - vốn ghi nhận số ca mắc đi xuống trong một vài tháng gần đây. Một số khu vực ghi nhận sự gia tăng ca mắc cao nhất là ở Dakota Bắc và Wisconsin, hai bang nơi số ca mắc vẫn chưa đạt đỉnh và vẫn tăng lên từng ngày kể từ khi đại dịch bùng phát từ hơn 6 tháng trước. Các bang khác như Carolina Nam và Utah đã đạt đỉnh dịch vào hồi tháng 7 và số ca mắc đã giảm mạnh song lại đi lên trong thời gian gần đây. 

Đại dịch COVID-19 ban đầu tấn công các viện dưỡng lão tại bang Washington ở Bờ Tây vào tháng 1 năm nay trước khi nhanh chóng lan rộng ra khắp thành phố New York và các bang Đông Bắc vào tháng 3 và tháng 4. Sau đó, nước Mỹ đã chứng kiến số ca mắc và tử vong tăng đột biến vào tháng 7.

Dù không có sự đồng thuận rõ ràng về nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc, song giới chức y tế cho rằng việc cho phép các bữa tiệc được tổ chức trở lại, hay các quán bar và các cơ sở kinh doanh có nguy cơ cao khác được phép nối lại hoạt động, trong khi người dân lơ là cảnh giác khi tưởng rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi, là một số nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan mạnh.

Khi làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ập đến vào mùa Hè này, các bang Arizona, California, Florida và Texas đã trở thành những tâm dịch mới. Việc các bang phối hợp cùng nhau và ban hành quy định đeo khẩu trang cũng như các biện pháp hạn chế mới, làn sóng thứ hai một lần nữa lắng xuống.

Tuy nhiên, cựu Ủy viên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ Scott Gottlieb vẫn bày tỏ lo ngại nguy cơ làn sóng dịch COVID-19 thứ ba có thể lây lan mạnh và lan rộng ra nhiều khu vực trên khắp cả nước trong thời gian tới. Chuyên gia này nhận định: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với một làn sóng thứ ba vào mùa Thu và mùa Đông này, và nó có nguy cơ lây lan mạnh hơn trên một khu vực rộng lớn của đất nước".

Phương Oanh (TTXVN)
COVID-19 đến 6h sáng 21/9: Thế giới trên 31 triệu ca bệnh, Ấn Độ trên đà vượt Mỹ
COVID-19 đến 6h sáng 21/9: Thế giới trên 31 triệu ca bệnh, Ấn Độ trên đà vượt Mỹ

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 239.220 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca bệnh lên trên 31,2 triệu người, trong đó có trên 964.700 ca tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN