Nhiều tháng sau khi thảm họa qua đi, những người sống sót trong trận cháy rừng lịch sử vẫn phải tiếp tục sống ở những nơi trú ẩn tạm thời, trong thời điểm các nỗ lực khôi phục cuộc sống trở lại bình thường bị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cản trở.
Dưới cái lạnh của mùa Đông Nam bán cầu, gia đình 6 người của chị Anita Lawrence chen chúc trong một nhà kho chật hẹp ngổn ngang giường tủ, đồ chơi trẻ em ở Tasmania, thuộc bờ biển Đông Nam Australia. Người phụ nữ 51 tuổi phải sống trong nơi ở tạm từ tháng 2 và hiện đang gom góp vật liệu để xây một ngôi nhà mới - một tổ ấm mới - cho gia đình.
Những trận cháy rừng lịch sử đã san phẳng khu vực rộng lớn hơn diện tích của nhiều quốc gia và khiến hàng nghìn người phải sơ tán, đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tác động khôn lường của biến đổi khí hậu ở một nước phát triển giàu có. Các chương trình truyền hình từ thiện, các tổ chức trên khắp thế giới đồng loạt cam kết hỗ trợ để đưa cuộc sống của các nạn nhân trở lại bình thường nhanh chóng. Nửa năm đã trôi qua, nhưng tại đây, nơi chỉ cách thành phố Sydney giàu có 6 giờ lái xe, hàng chục người như Lawrence vẫn phải sống trong nhà tạm.
“Họa vô đơn chí”, dịch bệnh COVID-19 làm cuộc sống của các nạn nhân càng trở nên khó khăn hơn. Trước kia, chị Lawrence kiếm sống bằng cách đi dạy ở trường học địa phương vài ngày mỗi tuần, nhưng sau khi chính phủ ra lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh, người mẹ này phải sống dựa vào tiền tiết kiệm hưu trí và chật vật dạy con ở nhà bằng một máy tính kết nối Internet qua một điểm truy cập điện thoại di động.
May mắn là trường học đã mở cửa trở lại, và chị Lawrence nhận được sự trợ giúp của David Crooke, một người dân địa phương đã tập hợp được một nhóm người để xây dựng, sửa chữa nhà tạm cho các nạn nhân của thảm họa cháy rừng, với một phần tài trợ đến từ chính quyền bang New South Wales, Hội Chữ thập đỏ Australia và tiền quyên góp. Với 4 máy bơm tự chế, nhóm nhỏ của Crooke đã cứu được nhiều ngôi nhà khỏi nạn cháy rừng liên tục đe dọa bờ biển phía Nam bang New South Wales.
Sự sống đã lại nảy mầm trên những vùng đất chết, nhưng nhiều người cho rằng quá trình phục hồi diễn ra chậm chạp và gian nan. Những chuyến hàng quyên góp giảm dần khi COVID-19 trở thành tâm điểm chú ý mới thay thế thảm họa cháy rừng, trong khi dịch bệnh cũng buộc nhiều tổ chức lớn phải rút tình nguyện viên về. Với lệnh cấm du lịch có hiệu ít nhất đến tháng 6/2020, nguồn thu chính của địa phương, đồng thời là chìa khóa cho sự tái thiết, cũng bị cắt đứt. Hậu quả là các doanh nghiệp địa phương gần như không thể vay tiền để khôi phục kinh tế.
Sau thảm họa cháy rừng, vợ chồng chị Lorena Granados dựng một quầy hàng ngay trước đống đổ nát của cửa hàng đồ da cũ của gia đình, với quyết tâm không để mất nhà cửa và cơ nghiệp chỉ trong một thời gian ngắn. Đó có lẽ cũng là tinh thần chung của người dân Australia, những người không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh để vươn lên, cũng giống như những chồi xanh hi vọng nảy mầm trên những cánh rừng khô cháy của Australia.
* Ngày 25/5, Cục Khí tượng Australia (BoM) cảnh báo thảm họa cháy rừng tại nước này kéo dài suốt nhiều tháng từ tháng 9 năm ngoái và mới kết thúc vào tháng 2 năm nay không phải "sự kiện chỉ xảy ra một lần".
Phát biểu trong phiên điều trần về nguyên nhân gây ra những vụ cháy rừng của Ủy ban Hoàng gia Australia, người đứng đầu đơn vị giám sát khí hậu thuộc BoM Karl Braganza cho biết kể từ thảm họa cháy rừng năm 2003, Australia đã phải đối mặt với những thảm họa cháy rừng thực sự nghiêm trọng với tần suất dường như có chiều hướng gia tăng". Nếu nhìn lại thế kỷ 19 và thế kỷ 20, các vụ cháy rừng lớn như trên không phải là sự kiện xảy ra thường xuyên như thế kỷ 21.
Những vụ cháy rừng thảm khốc bùng phát hồi năm ngoái và kéo dài suốt nhiều tháng tại Australia đã khiến 33 người thiệt mạng, thiêu rụi khoảng 2.500 ngôi nhà cùng hơn 10 triệu hécta đất. Thủ tướng Scott Morrison đã gọi giai đoạn trên là "mùa Hè đen tối". Tháng 2 vừa qua, ông đã thành lập Ủy ban Hoàng gia với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao sự sẵn sàng của Australia trong việc ứng phó các thiên tai, cũng như cải thiện sự phối hợp trong việc giải quyết các thảm họa thiên nhiên.
Bà Helen Cleugh - thuộc Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO), cho biết biến đổi khí hậu đang tác động cũng như làm trầm trọng thêm các hệ thống thời tiết theo cách thức chưa từng được ghi nhận trước đây. Điều này đồng nghĩa việc hiểu được sự tương tác giữa dao động khí hậu và các yếu tố thúc đẩy cùng biến đổi khí hậu có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng và nâng cao năng lực ứng phó với những rủi ro và nguy cơ do thay đổi thời tiết trong tương lai.