Theo trang The Guardian (Anh), cuộc sống của Rob Purdie đã bắt đầu thay đổi khi ông cảm thấy đau đầu, cơn đau dữ dội xảy ra vào khoảng đầu năm 2021 và kéo dài suốt nhiều tháng. Purdie đã đến các cơ sở y tế để kiểm tra, nhưng bác sĩ đều không thể chẩn đoán chính xác căn bệnh mà ông mắc phải. Họ nói ông bị nhiễm trùng xoang, đau đầu từng cơn. Sau nhiều lần thăm khám, Purdie cuối cùng đã biết ông mắc phải căn bệnh gì.
Người đàn ông sống tại Bakersfield, California, đã bị viêm màng não do sốt thung lũng - căn bệnh do nấm Coccidioides, một loại nấm đặc hữu của vùng đất phía tây nam nước Mỹ, gây ra. Sức khỏe suy nhược trong nhiều năm, Purdie phải chật vật tìm kiếm các phương pháp điều trị với hàng loạt khó khăn sau đó. Ông chia sẻ: “Căn bệnh này đã cướp đi tất cả sức khỏe của tôi. Nó tác động rất lớn đến gia đình tôi. Chúng tôi mất tất cả mọi thứ, từ an ninh tài chính đến các khoản hưu trí”.
Purdie nằm trong số phần trăm rất nhỏ những người phát triển các dạng nghiêm trọng của bệnh sốt thung lũng. Hầu hết mọi người sẽ không bị ốm sau khi phơi nhiễm và rất ít người phát triển các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh. Nhưng đối với những người phát triển dạng mãn tính của bệnh, nó có thể tàn phá nghiêm trọng.
Dịch sốt thung lũng đang bùng phát ở Thung lũng Trung tâm của California. Các chuyên gia cảnh báo trong tương lai, các ca bệnh có thể gia tăng trên khắp miền tây nước Mỹ khi cuộc khủng hoảng khí hậu khiến khu vực này ngày càng khô và nóng hơn.
Hạt Kern, nằm ngay phía bắc Los Angeles, cuối Thung lũng Trung tâm California, đã ghi nhận xu hướng ca sốt thung lũng gia tăng đáng kể trong thập kỷ qua. Theo dữ liệu y tế công cộng, hạt Kern, nơi ông Purdie sinh sống, đã ghi nhận khoảng 1.000 trường hợp mắc bệnh vào năm 2014. Năm 2021, khu vực này cũng ghi nhận trên 3.000 ca mắc.
Trong những năm gần đây, giới chức đã tăng cường xét nghiệm và nâng cao nhận thức về dịch bệnh , nhưng khu vực này vẫn chứng kiến xu hướng các ca mắc gia tăng đáng kể. Tiến sĩ Royce Johnson, giám đốc y tế của Viện Sốt Thung lũng ở Bakersfield nhận định: “Hiện nay, khu vực đang ghi nhận thêm rất nhiều ca sốt thung lũng. Chúng tôi nghĩ rằng hầu hết các trường hợp đó đều liên quan đến khí hậu và thời tiết”.
Bà Morgan Gorris - nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos, người đã nghiên cứu mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu với bệnh sốt thung lũng (còn gọi là bệnh Coccidioidomycosis) - cho biết loại nấm gây ra bệnh sốt thung lũng cần điều kiện khô và nóng để tồn tại.
“Phần lớn miền tây nước Mỹ đã rất khô hạn. Khi chúng tôi xem xét các dự báo về biến đổi khí hậu, chúng tôi dự đoán rằng nửa phía tây của đất nước sẽ ngày càng khô hạn hơn. Điều kiện này thúc đẩy nhiều ca sốt thung lũng hơn”, bà Gorris nói.
Tiến sĩ Johnson cho biết loại nấm này phát triển trong đất dưới dạng sợi, đứt ra và bay vào không khí khi bị đào lên, nó có thể phát tán tới hơn 120km - thậm chí nó đã lây nhiễm bệnh cho rái cá biển. Người dân có thể tiếp xúc với loại nấm gây bệnh khi đào đất ở nơi loại nấm này sinh sôi hoặc chỉ đơn giản khi hít thở không khí.
Trong đó, những người làm việc ngoài trời có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Mùa hè năm ngoái, 7 nhân viên cứu hỏa ứng phó với các đám cháy xung quanh dãy núi Tehachapi, phía đông nam Bakersfield, đã mắc bệnh về đường hô hấp. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (CDC)Mỹ, 3 người trong số đó được chẩn đoán mắc sốt thung lũng.
Theo ông Johnson, khoảng 40% người mắc bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh hô hấp ở thể rất nhẹ, chỉ 1% có kết quả nặng hơn. Hầu hết mọi người sẽ không có triệu chứng sau khi phơi nhiễm nấm gây bệnh. Các chuyên gia ước tính trên thực tế, có rất ít người được chẩn đoán mắc bệnh sốt thung lũng.
Tại Mỹ, chủ yếu ở Arizona và California, có khoảng 20.000 trường hợp sốt thung lũng được báo cáo cho CDC vào năm 2019. Theo dữ liệu gần đây nhất, trung bình có khoảng 200 ca tử vong vì dịch bệnh này mỗi năm từ 1999 đến 2019.
Nghiên cứu do bà Gorris và những chuyên gia khác thực hiện đã chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng khí hậu có thể mở rộng khu vực lây nhiễm các ca sốt thung lũng. Bà Gorris dự đoán trong kịch bản khí hậu nóng lên và phát thải khí nhà kính cao, khu vực đặc hữu của bệnh sốt thung lũng sẽ mở rộng ra xa hơn về phía bắc, đến biên giới Mỹ-Canada vào năm 2100.
“Giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể giúp hạn chế các tác động của bệnh sốt thung lũng đến sức khỏe con người. Điều quan trọng là chúng ta không nên bi quan và tuyệt vọng”, bà nói. Bà cảnh báo tại California, khi thời tiết chuyển sang giai đoạn mưa dữ dội hơn và sau đó bước vào mùa khô, đây chính là điều kiện thuận lợi khiến bệnh sốt thung lũng phát triển mạnh và có thể xuất hiện nhiều ca bệnh hơn.
Bệnh tình của ông Purdie đã trở nặng sau một thời gian phát hiện bệnh. Vào thời điểm đó, ôngsống trên một khu đất rộng ở ngoại ô Bakersfield và thường xuyên dành thời gian ở ngoài trời. Căn bệnh đã khiến cuộc sống của ông trở nên hỗn loạn. Purdie, khi đó là một nhà hoạch định tài chính, đã phải bán những kỷ vật quý giá của gia đình để đối phó với bệnh tật.
Cuối cùng, các bác sĩ đã tìm ra phương pháp điều trị thích hợp. Họ cho Purdie uống 4 viên thuốc mỗi ngày và tiêm thuốc trực tiếp vào não ông 16 tuần/lần. Đây là một phương pháp điều trị phức tạp, khiến ôngthường xuyên nôn mửa, đôi khi ngất đi. Purdie cũng gặp khó khăn trong việc tương tác với mọi người.
Ông Purdie đã hồi phục và làm việc tại Viện Sốt Thung lũng với tư cách là bệnh nhân và điều phối viên phát triển chương trình nâng cao nhận thức về dịch sốt thung lũng.
“Tôi bị một dạng sốt thung lũng thực sự nghiêm trọng. Căn bệnh này có thể rất đáng sợ và khiến cơ thể suy nhược. Nhưng tôi không muốn mọi người sợ điều đó. Tôi muốn mọi người nhận thức được dịch bệnh này”, anh chia sẻ.