Trả lời phỏng vấn báo "Toàn cảnh Frankfurt Chủ Nhật" ngày 29/3, ông Wieler nhận định có nguy cơ cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 sẽ đẩy hệ thống y tế Đức tới giới hạn và rất nhiều bệnh nhân nặng sẽ cần tới máy thở trong các bệnh viện.
Ông cũng giải thích rằng tỷ lệ tử vong thấp ở Đức là do đa số những người nhiễm không thuộc nhóm người có nguy cơ gặp nguy hiểm, song nếu tình trạng lây nhiễm xảy ra với các nhà dưỡng lão hay bệnh viện thì số ca tử vong sẽ tăng mạnh. Trước đó ngày 28/3, đã có 12 người cao tuổi trong một trại dưỡng lão tử vong do mắc COVID-19, trong khi 75 người khác cũng bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
Người đứng đầu RKI cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng Đức sớm dỡ bỏ những hạn chế đi lại và tiếp xúc, cảnh báo nước này mới chỉ ở "giai đoạn đầu" của dịch bệnh và mọi người cần hết sức nghiêm túc thực thi những những hạn chế đã được ban hành.
Theo Chánh Văn phòng Chính phủ Đức, ông Helge Braun, nước này chưa có kế hoạch nới lỏng các hạn chế hiện tại trước ngày 20/4, đồng thời cho biết các biện pháp hạn chế vẫn sẽ được duy trì đối với người cao tuổi và những người có trình trạng sức khỏe tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếng kêu gọi người dân kiên nhẫn với các biện pháp nghiêm ngặt được Chính phủ Đức áp dụng nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến trưa 29/3 theo giờ Đức, trên cả nước đã ghi nhận 58.247 ca nhiễm và 455 ca tử vong.
Cùng ngày, Cơ quan Y tế công cộng Thụy Sĩ cũng thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên đến 257 người, tăng 22 người so với một ngày trước đó. Theo cơ quan trên, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Thụy Sĩ hiện là 14.336 người.