Trước đó, châu Phi đã kiểm soát dịch rất tốt, khi số ca nhiễm đạt đỉnh vào tháng 7 và giảm dần. Tuy nhiên, xu hướng này đã bắt đầu chững lại.
Theo CDC châu Phi, cho đến nay, 55 nước thành viên của Liên minh châu Phi (AU) đã ghi nhận khoảng 1,7 triệu ca nhiễm, tương đương 3,9% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Trong tháng qua, trung bình mỗi tuần số ca nhiễm trên toàn châu lục chỉ tăng 6%.
Giám đốc Nkengasong nhận định tình hình dịch bệnh tại châu Phi có sự khác biệt giữa các khu vực, khi số ca nhiễm mới tăng lên tại các khu vực phía Đông, phía Bắc và phía Nam châu Phi, và giảm tại phía Tây và miền Trung. Tuy nhiên, ông cho rằng tất cả các nước cần tăng cường xét nghiệm và hệ thống giám sát, cũng như thúc đẩy việc đeo khẩu trang nhằm phòng ngừa nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai. Khi đại dịch mới bùng phát, nhiều nước châu Phi đã áp đặt phong tỏa và hạn chế đi lại, song ông Nkengasong từng cảnh báo sẽ rất khó để tái áp đặt các biện pháp này khi ứng phó với làn sóng ca nhiễm mới.
Theo CDC châu Phi, tổng số ca nhiễm tại lục địa này đã lên tới 1.748.335 ca, trong đó có 42.151 ca tử vong. Những quốc gia có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực gồm Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Ethiopia và Nigeria.
Cùng ngày, Bộ Y tế Iran thông báo đã ghi nhận thêm 8.293 ca nhiễm mới trong ngày 29/10, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 596.941 ca. Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong đã tăng thêm 399 ca lên 34.113 ca.
Sau khi số ca nhiễm tăng mạnh trong những tuần qua, nhà chức trách Iran đã tái áp đặt các biện phòng dịch nghiêm ngặt tại thủ đô Tehran và một số thành phố lớn khác.