Vaccine do công ty dược phẩm Shionogi phát triển thuộc loại vaccine tái tổ hợp. Các protein gai có bề mặt của virus sẽ được tái tạo ra bằng kỹ thuật tái tổ hợp gene di truyền và được truyền vào cơ thể để kích thích hệ thống miễn dịch tấn công virus và sản sinh kháng thể.
Theo đó, trong cuộc thử nghiệm này, công ty Shionogi sẽ tiêm vaccine cho 214 người trưởng thành có sức khỏe tốt, mỗi ứng viên sẽ được tiêm 2 mũi, cách nhau 3 tuần, trong đó, ở lần thử nghiệm thứ nhất sẽ đánh giá tính an toàn và lần thứ hai sẽ kiểm nghiệm liều lượng và khả năng sản sinh kháng thể. Công ty này cũng cho biết sau khi phân tích kết quả lâm sàng của đợt thử nghiệm đầu tiên, sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm trên diện rộng kể từ cuối tháng 2/2021.
Shionogi là công ty dược phẩm thứ hai tại Nhật Bản tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19. Công ty này cũng đặt mục tiêu sản xuất khoản 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19/năm kể từ cuối năm 2021, sau khi các quá trình thử nghiệm đạt kết quả tốt. Trước đó, hãng dược phẩm AnGes Inc Nhật Bản cũng đã bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 lần đầu tiên vào tháng 6. Hiện tại, giai đoạn hai của cuộc thử nghiệm đang được tiến hành trên 500 người trưởng thành khỏe mạnh, và giai đoạn thử nghiệm cuối dự kiến được tiến hành tại Nhật Bản và nước ngoài trong năm 2021.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nigeria Osagie Ehanire cho biết nước này dự kiến sẽ nhận những liều vaccine COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2021. Tuy nhiên các quan chức vẫn chưa cho biết rõ họ sử dụng vaccine nào.
Quốc gia đông dân nhất châu Phi này không bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, Nigeria vẫn cảnh báo về nguy cơ đợt dịch thứ 2 có thể xảy ra. Nigeria đã lập nhóm công tác chịu trách nhiệm về vấn đề vaccine và đang làm việc với chương trình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hỗ trợ.
Theo ông Ehanire, với gần 200 triệu dân, Nigeria cần phải có các biện pháp thận trọng, chuẩn bị tốt hệ thống y tế, đảm bảo đáp ứng chữa trị trong trường hợp dịch bùng phát. Nigeria đang đàm phán với các nhà sản xuất vaccine ở Anh và Nga. Nigeria cũng nhận được giới thiệu từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về loại vaccine do Trung Quốc sản xuất mà UAE đã thử nghiệm.
Hiện tại, Nigeria không có nhiều cơ sở để có thể bảo quản được vaccine Pfizer/ BioNTech, cần phải bảo quản ở nhiệt độ âm 70 độ C. Trong khi đang xem xét chi phí lắp đặt tủ đông siêu lạnh, nước này cũng tìm kiếm một loại vaccine không chỉ có hiệu quả cao mà còn có chi phí bảo quản và vận chuyển hợp lý. Nigeria đã ghi nhận 74.132 ca mắc COVID-19, trong đó 1.200 người đã tử vong.