Đây là văn bản đầu tiên của cơ quan quốc tế này về đại dịch kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát hồi cuối năm ngoái.
Dự thảo nghị quyết trên do Thụy Sĩ, Indonesia, Singapore, Na Uy, Liechtenstein và Ghana đệ trình đã nhận được sự phê chuẩn của 188 trong tổng số 193 nước thành viên. Nghị quyết cũng nhấn mạnh tới "sự cần thiết tôn trọng nhân quyền" và "không để xảy ra bất kỳ hình thức phân biệt đối xử, phân biệt chủng tộc và bài ngoại trong các ứng phó với dịch bệnh". Nghị quyết đề cao vai trò trung tâm của LHQ trong chăm sóc sức khỏe và khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Nghị quyết được Đại hội đồng LHQ thông qua không mang tính ràng buộc như các nghị quyết được Hội đồng bảo an LHQ thông qua, song mang giá trị chính trị mạnh mẽ.
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng mang tính thách thức nhất mà thế giới đang phải đương đầu kể từ Chiến tranh thế giới II. Tuần trước, TTK Guterres đã cảnh báo rằng nếu các nước không đoàn kết chống đại dịch COVID-19 thì hàng triệu người có nguy cơ thiệt mạng.
Theo trang thống kê worldometes.info, tính đến 12h (giờ Việt Nam) ngày 3/4, đại dịch COVID-19 đã lây lan tới 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến 1.015.877 người mắc và 53.218 người tử vong.
* Tại Canada, dịch COVID-19 đã khiến ngành nông nghiệp nước này gặp khó khăn trong việc tuyển lao động tạm thời để gieo trồng đúng thời vụ khi sắp vào Xuân. Thiếu hụt nguồn lao động này, hoạt động canh tác gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung lương thực.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Canada cấp phép cho khoảng 60.000 lao động thời vụ mỗi năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Canada cho phép lao động thời vụ nhập cảnh và yêu cầu những lao động này phải tuân thủ quy định cách ly trong 14 ngày. Tuy nhiên, lao động thời vụ gặp nhiều khó khăn về hậu cần để có thể đến Canada làm việc, chẳng hạn như các văn phòng xử lý thị thực tại Mexico đã đóng cửa, các chuyến bay khan hiếm... Ngoài ra, cũng có nhiều mối quan ngại về điều kiện sinh hoạt của lao động nhập cư trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng nghiêm trọng.
Giám đốc Viện Arrell Food thuộc Đại học Guelph, Evan Fraser nhận định đại dịch COVID-19 đã phơi bày những điểm yếu trong hệ thống lương thực Canada, trong đó có sự phụ thuộc của ngành nông nghiệp vào lao động thời vụ người nước ngoài và dòng dân cư được tự do qua biên giới làm việc.
Trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp gia tăng tại Canada, ngành nông nghiệp đang trông chờ vào khả năng thuê nhân công địa phương. Tuy nhiên, việc đào tạo những lao động không có kinh nghiệm sẽ là một thách thức.
Trên trang web của Chính phủ Canada cập nhật ngày 2/4, số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 11.2 ca, trong đó có 1 ca tử vong.