Chỉ số các nhà quản lý mua hàng (PMI) của Jibun Bank Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ đã giảm xuống 22,8 điểm, mức thấp nhất kể từ khi khảo sát này bắt đầu được thực hiện với lĩnh vực dịch vụ vào tháng 9/2007. Bên cạnh đó, chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo của Nhật Bản cũng giảm còn 43,7 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.
Nhật Bản sẽ tiếp tục phải chịu nhiều thiệt hại kinh tế khi các doanh nghiệp đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Thủ tướng Shinzo Abe ngày 7/4 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với bảy tỉnh thành, trong đó có thủ đô Tokyo, và đã mở rộng tình trạng khẩn cấp này trên phạm vi toàn quốc vào ngày 16/4. Trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng từ ngày 29/4-6/5, Chính phủ Nhật Bản được dự đoán sẽ quyết định xem liệu có kéo dài tình trạng khẩn cấp nói trên hay không, một động thái mà nhiều chuyên gia phân tích cho là gần như chắc chắn sẽ diễn ra trước sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
Số liệu ảm đạm nói trên được đưa ra trước thềm cuộc họp chính sách vào tuần tới của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Tại cuộc họp lần này, BoJ được dự đoán sẽ hạ đáng kể dự báo tăng trưởng và đua ra thêm nhiều biện pháp để xoa dịu tình trạng căng thẳng về vốn cho doanh nghiệp.
Australia cũng đang hứng chịu những thiệt hại tương tự, khi chỉ số PMI của IHS Markit trong lĩnh vực dịch vụ của nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 19,6 điểm, trong khi chỉ số PMI trong lĩnh vực chế tạo cũng giảm từ 49,7 điểm trong tháng Ba xuống 45,6 điểm trong tháng Tư.
Ngoài ra, số liệu được công bố cùng ngày cũng cho thấy nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại của Hàn Quốc đã ghi nhận mức giảm nhanh nhất kể từ năm 2008, khi các biện pháp phòng chống dịch đã buộc các cửa hàng phải đóng cửa và nhu cầu sụt giảm trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tuần trước dự đoán tăng trưởng kinh tế năm 2020 của châu Á sẽ ngừng tăng trưởng lần đầu tiên trong 60 năm qua, khi cuộc khủng hoảng y tế do dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại “chưa từng có” đối với lĩnh vực dịch vụ của khu vực này.
Kể cả kinh tế Trung Quốc, quốc gia đang bắt đầu nối lại các hoạt động kinh tế sớm hơn nhiều so với các nước khác, cũng chỉ có thể phục hồi chậm chạp, theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Hoạt động dịch vụ bị đứt gãy là một mối lo lớn đối với chính phủ nhiều nước, khi hàng triệu người đang làm việc cho các ngân hàng, các công ty bán lẻ và trong ngành nhà hàng-khách sạn, làm gia tăng mối đe dọa từ tỷ lệ thất nghiệp leo thang đối với sự ổn định xã hội.