Thực tế này được phản ánh qua những số liệu báo cáo kinh tế mà một loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới công bố vào thời điểm một tuần trước khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cập nhật dự báo về kinh tế toàn cầu, trong đó tính toán những tổn hại ban đầu kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đầu năm nay.
Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 8/4 ước tính kinh tế nước này sụt giảm khoảng 6% trong 3 tháng đầu năm 2020 - mức yếu kém nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Trong khi đó, các tổ chức kinh tế hàng đầu tại Đức nhận định nền kinh tế đầu tàu châu Âu này có thể sụt giảm tới gần 10% trong quý II/2020, tức là gấp đôi mức sụt giảm năm 2009 - thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động mạnh tới Đức. Quý II/2020 cũng sẽ trở thành giai đoạn kinh tế Đức khó khăn nhất kể từ khi các tổ chức kinh tế ở Đức bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1970.
Nhà kinh tế Philippe Waechter thuộc Cơ quan quản lý tài sản Ostrum, nhận định: "Trong 2 quý đầu năm 2020, các nền kinh tế phương Tây suy sụp".
Mỹ ở một mức độ nào đó đi sau châu Âu trong việc triển khai biện pháp đóng cửa hoạt động kinh doanh để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, do đó quý I dường như không bị ảnh hưởng, nhưng quý II có thể sẽ cảm nhận tác động.
Ông Waechter nhấn mạnh: "Không thể hình dung Mỹ có thể thoát tình trạng suy thoái sâu mà các nơi khác đang hứng chịu". Thực tế là cả bang California của Mỹ - với quy mô kinh tế lớn thứ 5 thế giới, trước cả Anh và Pháp - cũng như trung tâm tài chính New York đều đang triển khai các biện pháp gắt gao để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Mỹ.
Trong khi đó, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự báo giao dịch thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm từ 13% đến 32%. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo nhận định thế giới đang đối mặt với "cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất hoặc sự sa sút của đời sống người dân".
Thực tế cho thấy những dự báo đưa ra vài tuần trước đây đã lỗi thời. Giữa tháng 3, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody dự báo các mức suy thoái vừa phải trong năm nay - khoảng 2% đối với kinh tế Mỹ và 2,2% đối với khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
Tuy nhiên, sau đó, hầu hết các nước châu Âu triển khai các biện pháp phong tỏa tương tự Italy và Tây Ban Nha, cũng như Mỹ, khiến cả sản xuất và tiêu thụ đều chững lại.
Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Laurence Boone cho biết mỗi tháng phong tỏa sẽ khiến GDP hằng năm giảm 2%. Để chứng minh cho nhận định này, bà cho biết sản xuất theo đơn đặt hàng đã giảm từ 25 đến 30% ở tất cả các nước trong khối OECD.
Đáng lo ngại là tình trạng suy thoái có thể kéo dài hơn những dự báo từ trước đến nay, và dự kiến không một quốc gia, vùng lãnh thổ nào nằm ngoài vòng xoáy suy thoái.
Ông Waechter cho rằng trong năm 2021, thế giới có thể hy vọng đạt mức tăng trưởng trở lại, song không thể chắc chắn về điều này.
Một trong những câu hỏi lớn đặt ra hiện nay là liệu thế giới có thể nhanh chóng điều chế được vaccine phòng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 để tránh một đợt lây nhiễm mới và liệu các nhà máy có thể sớm khôi phục sản xuất hay không.
Theo nhà phân tích tại công ty giao dịch ngoại tệ trực tuyến OANDA Edward Moya, nhìn vào tốc độ kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm hiện nay, khó có thể đưa ra nhận định các nền kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ phục hồi nhanh chóng.
Trong khi đó, bà Boone cho rằng việc dự báo tình hình đã trở nên rất khó khăn. Thế giới có thể phần nào thoát khỏi tình trạng phong tỏa, song có thể đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới virus SARS-CoV-2 với một giai đoạn phong tỏa mới nếu miễn dịch của người dân trên toàn thế giới suy yếu.