Trong một tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến khẩn cấp ngày 30/3, các bộ trưởng cho biết đang nỗ lực đảm bảo sự liên tục của các nguồn cung ứng vật tư y tế quan trọng, các nông sản chủ chốt và các loại hàng hóa thiết yếu khác để đảm bảo sức khỏe của người dân. Tuyên bố nêu rõ: "Đáp ứng các đòi hỏi của quốc gia, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết ngay lập tức nhằm tạo điều kiện trao đổi các loại hàng hóa thiết yếu này".
Các bộ trưởng cũng nhất trí đảm bảo ngăn chặn việc tăng giá phi lý và trục lợi để đảm bảo sự sẵn sàng và khả năng tiếp cận với các nguồn cung y tế quan trọng và các loại dược phẩm.
G20 đã tổ chức một loạt cuộc họp để phối hợp hành động chống cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay, cuộc khủng hoảng vốn đã khiến nhiều nước phải đóng cửa biên giới và hạn chế sự đi lại của người dân nhằm giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Các quyết định phong tỏa đã ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, trong đó có sản xuất ô tô do thiếu phụ tùng.
Trong tuyên bố, các bộ trưởng "nhất trí rằng các biện pháp khẩn cấp nhằm chống COVID-19 chỉ áp dụng nếu cần thiết, phải có mục tiêu, theo tỷ lệ hợp lý, minh bạch và mang tính tạm thời, đảm bảo không tạo ra những hàng rào không cần thiết đối với thương mại hoặc làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu". Các bộ trưởng cũng nhất trí cần hỗ trợ các nước đang phát triển và củng cố cơ chế thương mại đa phương thông qua các cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bộ trưởng Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama nhấn mạnh: "Điều quan trọng là cộng đồng quốc tế, cả trong các lĩnh vực công và tư, cần phối hợp duy trì dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ".
Cũng tại hội nghị bộ trưởng trên, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi G20 kiềm chế việc áp đặt các hạn chế xuất khẩu mới đối với các vật tư y tế quan trọng, cũng như lương thực và sản phẩm thiết yếu khác.
Một quan chức cấp cao WB cảnh báo dịch bệnh có thể sẽ nhấn chìm nền kinh tế thế giới vào suy thoái, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và tấn công vào các mắt xích thương mại quan trọng. Để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với các nước nghèo do nguồn cung vật tư y tế bị hạn chế, WB kêu gọi các nước G20 dỡ bỏ hoặc giảm bớt thuế nhập khẩu các hàng hóa cần thiết để chống dịch, và hạ thấp hoặc tạm ngừng các loại thuế xuất khẩu đối với lương thực và các hàng hóa cơ bản khác.
Phát biểu với các bộ trưởng G20, Giám đốc quản lý chính sách phát triển và đối tác của WB, Mari Pangestu cho biết WB đặc biệt lo ngại về tác động của đại dịch COVID-19 đối với các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Bà cho biết: "Những nước nghèo nhất đặc biệt dễ bị tổn thương với các chính sách mà các nước xuất khẩu áp dụng, trong đó có các hạn chế thương mại về các nguồn cung ứng hàng hóa và vật tư y tế". Bà nhấn mạnh: "Hợp tác quốc tế liên tục nhằm duy trì một hệ thống thương mại mở và dựa trên các quy định sẽ rất quan trọng để phục hồi và phát triển bền vững và toàn diện". Bà nhấn mạnh: "Đi một mình không phải là một lựa chọn. Chúng ta sẽ vượt qua (khủng hoảng) mạnh mẽ hơn nếu cùng nhau phối hợp hướng tới một mục tiêu rõ ràng về tương lai".
Hội nghị bộ trưởng thương mại nói trên diễn ra theo lời kêu gọi của Saudi Arabia - nước Chủ tịch G20 năm nay, sau cuộc họp trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo G20, trong đó lãnh đạo các nước đã nhất trí giảm thiểu tối đa các gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đề nghị các bộ trưởng thương mại khắc phục các tác động của đại dịch đối với hoạt động thương mại. Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết "bơm" 5.000 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu để hạn chế tình trạng giảm việc làm và thu nhập do dịch bệnh.
Dự kiến các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến thứ hai trong ngày 31/3 để thúc đẩy cách ứng phó với dịch.