Theo nguồn tin trên, hiện thành phố đã chuẩn bị khoảng 300 phòng thuộc 2 khách sạn trong nội đô để làm nơi ở cho những người vô gia cư này ở trong vòng 12 tuần tới.
Cùng ngày, Gruzia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc do dịch bệnh COVID-19, cho phép chính phủ điều tiết giá cả thực phẩm và thuốc men nếu cần thiết.
Trong bài phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Salome Zurabishvili tuyên bố: "Tình hình dịch bệnh rất nghiêm trọng và dự báo sẽ còn xấu hơn". Bà cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài trong một tháng.
Theo bà Salome Zurabishvili, quốc gia nằm bên bờ Biển Đen, với 3,7 triệu dân này đã ghi nhận 48 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và hiện có khoảng 2.000 người đang được cách ly.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/3, giới chức nước này đã triển khai thêm nhiều biện pháp chống dịch COVID-19, trong đó quyết định ngừng các chuyến bay tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như cấm mọi hoạt động du lịch và ăn uống đông người trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng gần gấp đôi mỗi ngày trong một tuần qua kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Tính đến ngày 20/3, đã có 9 ca tử vong trong tổng số 670 ca mắc COVID-19.
Riêng tại Ankara, chính quyền thành phố đã cấm bay với 22 nước, đóng cửa toàn bộ các trường học, quán cà phê và quán rượu cũng như cấm tổ chức các buổi hành lễ đông người...
Cùng ngày, Bộ Y tế Thụy Sĩ thông báo, nước này đã ghi nhận 6.100 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 56 ca tử vong.
Hà Lan cũng ghi nhận thêm 637 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc lên 3.631 và thêm 30 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Hà Lan tính đến ngày 21/3 là 136 người.
Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu tại cuộc họp tình hình kinh tế, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cảnh báo các doanh nghiệp nước này không “lợi dụng đại dịch COVID-19” để giải quyết các khó khăn của họ.
Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn lời ông Mishustin tại cuộc họp cho biết trong tình hình khó khăn hiện nay, việc sa thải nhân viên có thể là biện pháp cực đoan. Theo Thủ tướng, nếu doanh nghiệp nào lợi dụng tình hình "được cường điệu hóa" xung quanh dịch bệnh COVID-19 để giải quyết các vấn đề riêng bằng cách giảm nhân sự, sẽ bị thanh tra lao động. Chính phủ cũng sẽ vào cuộc nếu có khiếu nại về việc chậm thanh toán tiền lương.
Ông Mishustin cho biết một dịch vụ đã được lập trên cổng thông tin ‘giám sát trực tuyến’ để công dân và người sử dụng lao động có thể tham khảo những thông tin mà họ quan tâm cũng như nhận được tư vấn từ các cơ quan chức năng.