Mòn mỏi chờ đợi
Gần 30.000 hộp nhôm sản xuất tại Đông Á theo lịch trình sẽ được tàu container vận chuyển đến cảng Suffolk (Anh) trong tháng 7. Nhưng nhiều tháng sau, chúng vẫn chưa đến điểm hẹn. Điều này khiến SJ Hunt-nhà đồng sáng lập công ty kẹo Lavolio ở London thấy lo lắng. Những hộp nhôm này được đặt hàng riêng và ông Hunt đã chi trả nhiều tiền để đảm bảo chúng được chuyển đến điểm hẹn.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết để thuê chở lô hàng trên bằng tàu biển, công ty Lavolio sẽ phải bỏ ra một khoản từ 1.500-2.000 USD. Nhưng lần này họ phải chi tới 10.000 USD, khoản tiền không hề nhỏ cho số hàng hóa vẫn chưa xuất hiện.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp thường dễ dàng thuê container cỡ lớn và cỡ nhỏ để vận chuyển hàng hóa với chi phí rẻ. Các container thường có tuổi thọ 15 năm sau đó chúng được tái chế thành kho tích trữ giá rẻ hoặc dùng để xây dựng.
Nhưng nhiều container rỗng vẫn nằm rải rác khắp châu Âu và Bắc Mỹ trong khi chuỗi cung ứng đứt đoạn đồng nghĩa với việc cần có thêm nhiều container để đáp ứng đủ các đơn hàng. Nhu cầu hàng hóa trong khi đó lại tăng mạnh khiến mạng lưới tàu chở hàng, container và xe tải trên khắp thế giới không có nhiều thời gian để theo kịp.
Kết quả là container ngày càng trở nên hiếm và đắt đỏ. Một năm trước đây, các công ty thường phải chi trả khoảng 1.920 USD để thuê container dài 12 m trong tuyến đường giữa Trung Quốc và châu Âu. Nhưng nay, các doanh nghiệp phải chi hơn 14.000 USD, tăng 600%. Cùng thời điểm, giá mua một container đã tăng gấp đôi.
Các doanh nghiệp ở khắp mọi nơi đang chật vật để đối phó. Gã khổng lồ nội thất Ikea (Thụy Điển) đã mua các container vận chuyển của riêng mình để cố gắng giảm bớt một số vấn đề về hậu cần. Nhưng đó không phải là lựa chọn cho công ty nhỏ như Lavolio. Hiện tại Lavolio phải suy nghĩ lại về kế hoạch mở rộng của mình và có thể phải tăng giá sản phẩm. Đây là dấu hiệu cho thấy thiệt hại kinh tế lớn hơn có thể phát sinh bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ không biến mất.
Tình trạng hỗn độn container
Trong nhiều tháng, chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị đẩy đến giới hạn, gây ra tình trạng thiếu hụt các mặt hàng. Container đóng vai trò trung tâm trong sự hỗn loạn này.
Khi dịch COVID-19 xảy ra, các hãng vận tải biển lớn đã hủy hàng chục chuyến hàng. Điều đó có nghĩa là những chiếc container rỗng không được sử dụng trước khi lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu phục hồi và nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng như quần áo và đồ điện tử tăng vọt.
Tình trạng dư thừa container rỗng kéo dài bởi các hạn chế để tránh lây lan dịch COVID-19 tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động tại các cảng biển và kho bãi. Trong khi đó, chi phí vận chuyển tiếp tục tăng. Ông Emile Hoogsteden, Phó chủ tịch thương mại của cảng biển lớn nhất châu Âu-cảng Rotterdam (Hà Lan), cho biết nơi đây đã phải tạo thêm điểm lưu trữ cho container như "một giải pháp tạm thời".
Ông Hoogsteden đánh giá điểm mâu thuẫn là rất nhiều hàng hóa đi từ châu Âu trở lại châu Á là những vật liệu có giá trị thấp như giấy phế liệu và sắt vụn. Khi giá vận chuyển tăng lên, những chuyến hàng đó không còn giá trị nữa, khiến container mắc kẹt.
Tăng giá
Tình trạng thiếu hụt container là một trong những lý do khiến chi phí mua hoặc thuê container tăng vọt. Ông John Fossey, tại công ty tư vấn hàng hải Drewry (Anh), cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến mức giá cao kỷ lục, đặc biệt là trên thị trường giao ngay.
Ông Fossey cũng nhấn mạnh rằng các công ty sản xuất container, phần lớn ở tại Trung Quốc, phải đối mặt với chi phí nguyên liệu thô tăng cao.
Containter phần lớn được làm từ một loại thép đặc biệt chống ăn mòn, và nó đã đắt hơn đáng kể. Các vật liệu làm sàn container như ván ép và tre cũng vậy. Ngoài ra, chi phí trả lương cho người lao động cũng tăng lên.
Ông Fossey nhận định: “Đó là sự kết hợp giữa chi phí nguyên liệu thô, chi phí nhân công tăng và sự cân bằng cung cầu rất mạnh mẽ”.
Ngay cả giá mua container cũ cũng đang tăng vọt. Ông Sanjay Aggarwal, đồng sáng lập công ty trà và gia vị Spice Kitchen tại Liverpool (Anh) cho biết giá container cũ đã tăng gấp ba. Thêm vào đó, giá trung bình để vận chuyển các hộp gia vị từ Ấn Độ đến Anh cũng đã tăng gấp 3.
Ông Aggarwal bộc bạch: “Chúng tôi có hàng nghìn bảng Anh không thu lại được và điều đó thật đáng buồn là do chi phí vận chuyển”.
Các chuyên gia trong ngành công nghiệp container chưa thể chắc chắn khi nào chi phí sẽ giảm. Nhưng họ đều thống nhất một điều: Tình hình sẽ không sớm được giải quyết. Điều này đồng nghĩa áp lực gia tăng với các doanh nghiệp như Lavolio và Spice Kitchen về việc liệu họ có nên tăng giá sản phẩm.