Cảnh báo trên được Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra ngày 27/7 trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để lại những hệ lụy nghiêm trọng tới nền kinh tế của các nước.
Ngay cả trước khi “cơn bão” COVID-19 ập đến, ước tính có khoảng 47 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở thể gầy còm mức vừa hoặc nghiêm trọng đã được ghi nhận trên thế giới, phần lớn sống ở tiểu vùng Sahara của châu Phi và Đông Nam Á. Giờ đây, trong bối cảnh các nước trên thế giới triển khai các biện pháp phong tỏa và hạn chế để phòng chống dịch, làm gián đoạn các nguồn cung cấp viện trợ quan trọng, Liên hợp quốc cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể tác động tới hàng triệu người thuộc nhiều thế hệ về mặt sức khỏe.
Trong bài viết đăng trên tạp chí y khoa The Lancet, một nhóm chuyên gia đã công bố các kết quả ước tính dựa trên việc mô phỏng máy tính về nguồn cung thực phẩm ở 118 quốc gia nghèo và thu nhập trung bình. Họ phát hiện rằng tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi ở thể gầy còm mức vừa hoặc nghiêm trọng sẽ tăng 14,3% - tương đương với 6,7 triệu trường hợp.
Trong trường hợp xấu nhất, đại dịch COVID-19 có thể khiến trẻ nhỏ bỏ lỡ 50% dịch vụ chăm sóc và điều trị dinh dưỡng, đồng nghĩa gần 180.000 người có thể tử vong trong năm nay. Các nhà nghiên cứu viết: "Tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 đối với vấn đề dinh dưỡng đầu đời có thể gây ra hậu quả liên thế hệ đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, cũng như để lại những hệ lụy suốt đời đối với giáo dục, nguy cơ mắc bệnh mãn tính và sự hình thành vốn nhân lực".
Tình trạng gầy còm xảy ra khi cơ thể bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng đến mức các cơ bắp và chất béo dần suy giảm và biến mất. Một loạt nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa gầy còm và tình trạng sức khỏe mãn tính và nghiêm trọng sau này trong cuộc sống. Tình trạng gầy còm là nguyên nhân khiến cứ 10 trẻ sơ sinh lại có 1 em tử vong tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Trong khi đó, nghiên cứu gần đây cho thấy đại dịch COVID-19 sẽ đẩy thêm 140 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực - nghĩa là sống dưới mức 1,9 USD/ngày.
Ở các quốc gia đã trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã cảnh báo có tới 100% dịch vụ dinh dưỡng thiết yếu có thể bị gián đoạn. Một bức thư ngỏ kèm theo có chữ ký của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây đã nhấn mạnh rằng các tổ chức viện trợ cần thêm tối thiểu 2,4 tỷ USD để có thể bảo vệ trẻ em trước nguy cơ gầy còm, suy dinh dưỡng.