Trình bày dự báo mới nhất trước các nghị sĩ Quốc hội ngày 25/11, người đứng đầu Cơ quan Thống kê quốc gia (Istat) Gian Carlo Blangiardo cho biết trong năm ngoái, Italy đã ghi nhận số ca sinh thấp nhất trong 150 năm qua, ở mức 420.000 ca. Tuy nhiên, con số này có thể giảm xuống còn 408.000 ca trong năm nay và 393.000 ca trong năm 2021.
Ông Blangiardo nhận định bầu không khí sợ hãi xen lẫn bất ổn cũng như những khó khăn tài chính do những sự kiện gần đây khiến nhiều cặp vợ chồng chưa muốn sinh con. Theo quan chức này, "cuộc suy thoái về nhân khẩu học" vốn ảnh hướng tới Italy kể từ năm 2015 đang biến thành "sự sụp đổ thực sự chưa từng có trong lịch sử Italy", ngoại trừ giai đoạn 1917-1918, thời điểm xảy ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất và tác động nghiêm trọng của dịch cúm Tây Ban Nha.
Phụ nữ và thanh niên là những đối tượng đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 vốn xuất hiện tại Italy vào đầu năm nay và khiến nền kinh tế nước này "đóng băng". Theo Istat, tỷ lệ phụ nữ có việc làm ở nước này đã giảm 1,9% trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 9 năm nay, trong khi con số này ở nam giới là 1,1%, do người dân dễ bị mất việc trong thời gian lệnh phong tỏa được áp dụng và nền kinh tế phục hồi chậm chạp.
Istat cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng hiện nay đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn hiện hữu trong thị trường lao động của Italy. Theo đó, đại dịch đã "phá hủy" 80% việc làm của phụ nữ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Từ năm 2008-2019, Italy ghi nhận thêm 602.000 việc làm do phụ nữ đảm nhiệm. Tuy nhiên, chỉ mất 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, 470.000 việc làm của nữ giới đã bị "bốc hơi".
Tại Italy, tỷ lệ phụ nữ có việc làm chỉ ở mức 50%, trong khi con số này ở Đức là 73%, ở Pháp là 62% và ở Tây Ban Nha là 58%. Riêng Hy Lạp có tỷ lệ phụ nữ có việc làm thấp nhất châu Âu, chỉ 47%.