Tại Italy, sau khi chính quyền nước này thông báo lệnh phong tỏa trên cả nước, sự lây lan của dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Theo số liệu thống kê chính thức, trong ngày 12/3, số ca nhiễm mới ở quốc gia tâm dịch tại châu Âu này đã tăng thêm trên 2.651 người, nâng tổng số người nhiễm lên 15.113. Với 189 ca tử vong mới, đến nay Italy đã ghi nhận tới 1.016 ca tử vong, đứng thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.
Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm và rối loạn miễn dịch thế giới (Waidid) đã cảnh báo tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italy hiện ở mức cao nhất thế giới và gấp 12 lần các quốc gia khác. Theo Waidid, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là không có sự thống nhất trong các phương pháp điều trị trên toàn lãnh thổ. Mặt khác, sự yếu kém trong khả năng truy xuất nguồn gốc nhiễm bệnh đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng và không được xét nghiệm nhanh (mặc dù đã tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh được xác định) đã đẩy nhanh tình trạng lây lan dịch bệnh. Cũng theo Waidid, ở Italy, nhiều ca dương tính với virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng đang được tự do đi lại.
Mặc dù mới phát hiện các ca nhiễm đầu tiên không lâu, song tại một số nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Thụy Sĩ, số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đang tăng nhanh.
Theo số liệu thống kê của báo Bưu điện buổi sáng (Morgenpost), tính đến 22h ngày 12/3, số ca nhiễm trên toàn nước Đức đã lên tới 2.745 người và 6 ca tử vong, trong đó riêng bang Nordrhein-Westfalen có trên 1.000 người nhiễm và 4 ca tử vong. Tối cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với các thủ hiến bang để tìm biện pháp đối phó, trong đó nhà lãnh đạo Đức khẳng định 2 mục tiêu là kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tại Pháp, tính đến tối 12/3, tổng số ca nhiễm được ghi nhận là 2.876 ca, trong đó có gần 600 ca nhiễm mới. Số ca tử vong là 71 ca, tăng 23 ca so với một ngày trước đó. Mặc dù Pháp vẫn ở giai đoạn 2 của dịch, song chính phủ đã yêu cầu tạm dừng những ca phẫu thuật không khẩn cấp để giải phóng số giường hồi sức nhiều nhất có thể, ưu tiên cho bệnh nhân mắc COVID-19.
Tây Ban Nha cũng là quốc gia châu Âu có số người nhiễm virus SARS-CoV-2 cao. Với 869 ca nhiễm mới trong ngày 12/3, tính đến nay nước này đã ghi nhận tổng số 3.146 ca nhiễm. Số ca tử vong cũng tăng 31 người lên 86 người. Để chống tình trạng lây nhiễm tiếp tục tăng nhanh, kể từ ngày 12/3, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo tổ chức tất cả các cuộc họp dưới hình thức họp trực tuyến. Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Bộ Bình đẳng Irene Montero có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Với quy mô dân số nhỏ nhưng Thụy Sĩ cũng đã ghi nhận hơn 800 ca nhiễm, trong đó có 6 ca tử vong. Do số ca nhiễm mới tăng nhanh, vùng Ticino của nước này, khu vực giáp biên giới với Italy ngày 12/3 đã thông báo đóng cửa toàn bộ các cơ sở đào tạo đại học và giải trí, đồng thời cấm tất cả các hoạt động hội họp nơi công cộng. Một quan chức y tế của Thụy Sĩ cho rằng không loại trừ khả năng nước này phải tiến hành phong tỏa như Italy. Cho đến nay, Ticino vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng các trường tiểu học và phổ thông cơ sở vẫn mở cửa.
Tại Thụy Điển, với 187 ca nhiễm mới, tính đến hết ngày 12/3, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại nước này là 7 ca.
Trong khi đó, hai nước Áo và Ba Lan đều ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong ngày 12/3.
Tại Séc, Chính phủ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc trong 30 ngày, có hiệu lực từ 14h00 ngày 12/3 (giờ địa phương), do lo ngại nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thủ tướng Andrej Babiš đưa ra tuyên bố trên tại họp báo sau cuộc họp bất thường của chính phủ. Ông Hamáček cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính phủ phản ứng linh hoạt hơn.
Trong động thái khá bất ngờ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 quyết định không cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường, nhưng đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá lên tới 120 tỷ euro (135 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là các ngân hàng gặp khó khăn do đại dịch.
Tối 12/3, Anh và EU ra thông cáo chung cho biết vòng 2 cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại hậu Brexit dự kiến diễn ra tại London vào tuần tới đã bị hủy do lo ngại dịch COVID-19. Tuyên bố chung nêu rõ: "Trước những diễn biến mới nhất liên quan đến COVID-19, các nhà đàm phán thỏa thuận thương mại Anh và EU đi đến quyết định sẽ không tổ chức vòng đàm phán vào tuần tới tại London như dự kiến ban đầu".