Theo kế hoạch, mỗi gia đình 4 người với tổng thu nhập từ mức 70% trở xuống so với thu nhập bình quân của các hộ gia đình, sẽ nhận được 1 triệu won (820 USD). Điều này đồng nghĩa các cá nhân có thu nhập tương đối thấp sẽ được chi trả mức lương chuẩn. Chi tiết kế hoạch dự kiến được công bố trong ngày 30/3. Ước tính khoảng 14 triệu hộ gia đình Hàn Quốc (35 triệu người) sẽ được nhận viện trợ.
Tại phiên họp thứ ba của Hội đồng kinh tế khẩn cấp ở Phủ Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ để có đủ tài chính cho chương trình viện trợ trên, chính phủ sẽ thúc đẩy gói ngân sách bổ sung thứ hai với mục tiêu dự luật ngân sách bổ sung này được thông qua tại Quốc hội ngay sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 15/4 tới.
Ngoài ra, Tổng thống Moon Jae-in cho hay chính phủ sẽ giảm nhẹ gánh nặng về các loại phí bảo hiểm xã hội và tiền điện cho những gia đình có thu nhập thấp, chủ cửa hàng kinh doanh nhỏ và những người làm tự do. Theo đó, sẽ giảm phí hoặc hoãn đóng phí hằng tháng. Biện pháp này sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Trước đó, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua gói ngân sách bổ sung trị giá 11.700 tỷ won (9,56 tỷ USD) để ứng phó với dịch COVID-19.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS - ngân hàng trung ương) đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái do dịch COVID-19. Thay vì sử dụng lãi suất, MAS đã để đồng nội tệ SGD tự điều chỉnh tỷ giá so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại chính.
Ban đầu, MAS dự định đưa ra tuyên bố chính sách vào tháng 4, song đã quyết định rút ngắn thời gian do tác động kinh tế của dịch bệnh. Theo số liệu do Bộ Thương mại Singapore công bố tuần trước, trong quý I/2020, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Bộ này cũng dự báo GDP của Singapore năm nay sẽ giảm tới 4%.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Chính phủ Australia vừa ban hành quy định mới nhằm tăng cường giám sát các nhà đầu tư nước ngoài muốn thâu tóm các doanh nghiệp Australia rơi vào cảnh khó khăn do dịch COVID-19.
Quy định mới nêu rõ tất cả các đề nghị nào từ nước ngoài thâu tóm tài sản hay doanh nghiệp Australia sẽ phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Ngân khố liên bang. Quy định sẽ có hiệu lực trong suốt thời gian bùng phát đại dịch COVID-19. Theo quy định cũ, giá chào mua các tài sản trị giá dưới 1,2 tỷ AUD (khoảng 800 triệu USD) của các công ty từ các quốc gia có hiệp định thương mại tự do với Australia không cần có sự chấp thuận của Chính phủ liên bang.
Bộ trường Ngân khố Australia Josh Frydenberg cho hay quy định mới nhằm ngăn chặn mọi hành vi thâu tóm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Ông Frydenberg khẳng định quyết định phê duyệt đầu tư nước ngoài sẽ căn cứ trên các vấn đề an ninh quốc gia, cạnh tranh, thuế và hồ sơ của các nhà đầu tư.
Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại về việc các công ty lớn ở nước ngoài có thể mua lại các doanh nghiệp Australia, sau khi giá trị của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán trong vài tuần qua do tác động của đại dịch COVID-19.