Cụ thể, tại vùng thủ đô New Delhi, từ ngày 7/6 các cửa hàng sẽ được mở cửa luân phiên hằng ngày, theo đó các cửa hàng ở số chẵn sẽ mở cửa một ngày và cửa hàng số lẻ mở cửa ngày tiếp theo. Các văn phòng tư nhân cũng sẽ được phép hoạt động với một nửa số nhân viên làm việc.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Thủ hiến New Delhi, Arvind Kejriwal cho biết tình hình dịch bệnh ở New Delhi đang dần trở nên khả quan hơn và chính quyền bang sẽ tích trữ 420 tấn ô xy.
Theo ông Kejriwal, chính quyền New Delhi trong tương lai sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để sẵn sàng ứng phó với 37.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca nhiễm mới hằng ngày cao kỷ lục ở vùng thủ đô New Delhi được ghi nhận vào ngày 20/4 với 28.395 ca.
Tại bang miền Bắc Uttar Pradesh đông dân nhất Ấn Độ, lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn có hiệu lực ở 55 trong tổng số 75 vùng của bang này. Theo người phát ngôn chính quyền bang Uttar Pradesh, những vùng có số ca nhiễm mới dưới 600 ca đã được phép mở cửa song với những biện pháp hạn chế, trong khi những thành phố có trên 600 ca bệnh sẽ bị phong tỏa cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Tại bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ, chính quyền địa phương thông báo từ ngày 7/6 sẽ cho phép các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, nhà hàng và văn phòng mở cửa thường xuyên ở những vùng có tỉ lệ lây nhiễm dưới 5%.
Tại bang Gujarat cũng ở miền Tây Ấn Độ, toàn bộ các văn phòng chính phủ và tư nhân từ ngày 7/6 sẽ được phép hoạt động với toàn bộ nhân viên được đi làm, so với mức một nửa số nhân viên hiện nay. Chính quyền bang Gujarat cũng nới lỏng hạn chế đối với các hoạt động thương mại, cho phép các cửa hàng ở 36 thành phố được hoạt động lâu hơn.
Còn ở bang Odisha, miền Đông Ấn Độ, lệnh phong tỏa đã được nới lỏng ở 3 khu vực do số ca nhiễm giảm, trong khi bang Tamil Nadu ở miền Nam hiện cho phép các cửa hàng bán lẻ tạp phẩm mở cửa phần lớn thời gian trong ngày và cho phép các văn phòng hoạt động với 30% công suất.
Trên toàn Ấn Độ đã ghi nhận 120.529 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 28,69 triệu ca, trong đó có 344.082 ca tử vong.
Trong khi đó, Chính phủ Indonesia có kế hoạch kéo dài thời gian cách ly đối với những người nhập cảnh từ mức 5 ngày lên mức 14 ngày, đặc biệt là đối với những người từ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu họp báo trực tuyến ngày 4/6, người phát ngôn của Chính phủ Indonesia về xử lý dịch COVID-19, ông Wiku Adisasmito nêu rõ: "Nhằm ngăn chặn các ca nhiễm nhập cảnh, chính phủ có kế hoạch kéo dài thời hạn cách ly từ 5 ngày lên 14 ngày đối với người nhập cảnh từ các quốc gia đang trải qua cuộc khủng hoảng COVID-19".
Theo ông Adisasmito, việc thay đổi quy định trên sẽ được đưa vào thông tư mới nhất của Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19 và sẽ sớm được công bố. Nỗ lực này nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong nước từ các du khách đến từ nước ngoài.
Ngày 31/5, Bộ Y tế Indonesia thông báo công dân Indonesia và công dân nước ngoài đến từ Ấn Độ, Pakistan và Philippines sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày bắt buộc tại các khách sạn được chỉ định.
Trước đó, hôm 25/5, Indonesia cũng thông báo các tàu chở hàng cùng thủy thủ đoàn đến từ Ấn Độ sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày khi đến Indonesia. Động thái này diễn ra sau khi 42 trong tổng số 179 nhân viên y tế ở tỉnh Trung Java bị mắc COVID-19 khi chăm sóc cho 14 thủy thủ Philippines cập cảng từ Ấn Độ.