Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, trong thông điệp quốc gia được phát trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh lệnh phong tỏa sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 24h ngày 26/3 đến 24h ngày 16/4 tới. Tổng thống chỉ rõ trong thời gian lệnh phong tỏa có hiệu lực, người dân không được phép ra khỏi nhà trừ một số trường hợp đặc biệt như đi khám bệnh, mua thực phẩm thiết yếu, thuốc men và đi nhận tiền trợ cấp.
Trong khi đó, các đối tượng không nằm trong diện áp dụng lệnh phong tỏa sẽ bao gồm lực lượng y tế, lực lượng vũ trang lực lượng ứng trực chống dịch, những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, dịch vụ ngân hàng, bảo trì hệ thống điện – nước và viễn thông.
Ông Ramaphosa cho biết nhằm thực hiện triệt để lệnh phong tỏa, Chính phủ Nam Phi cũng đã chuẩn bị nhiều khu nhà tạm trên toàn quốc dành cho người vô gia cư, cũng như khu cách ly tạm thời cho các đối tượng không có điều kiện tự cách ly tại gia đình.
Theo Tổng thống Ramaphosa, Chính phủ Nam Phi đã chỉ đạo Bộ quốc phòng nước này triển khai quân hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát nhằm tăng cường việc thực thi một cách hiệu quả lệnh phong tỏa cũng như đảm bảo an ninh trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, lực lượng y tế cũng sẽ được huy động tối đa để tăng cường công tác xét nghiệm và tìm kiếm các cá nhân đã có tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Ngoài ra, Chính phủ Nam Phi cũng thành lập các đội y tế cơ sở để mở rộng diện theo dõi và tiến hành việc xét nghiệm đến từng nhà tại các khu vực có mật độ dân cư cao.
Bên cạnh đó, nhằm tránh tình trạng quá tải tại các bệnh viện, tại mỗi bệnh viện và cơ sở y tế, Chính phủ Nam Phi sẽ phân loại thành 2 khu vực riêng biệt bao gồm khu chữa trị tập trung dành cho những ca nặng và khu phi tập trung dành cho những ca nhẹ hơn.
Liên quan đến quy định nhập cảnh, nhằm tăng cường ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ông Ramaphosa chỉ rõ tất cả các hành khách không phải công dân Nam Phi đến từ các vùng có dịch sẽ không được nhập cảnh, công dân Nam Phi trở về từ vùng dịch sau khi nhập cảnh sẽ bị cách ly trong vòng 14 ngày.
Trong thông điệp kéo dài 30 phút, Tổng thống Nam Phi cũng đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đối với khối doanh nghiệp nước này bao gồm việc giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 tháng tới cho các công ty có doanh thu dưới 50 triệu Rand/năm (khoảng 2,8 triệu USD), cung cấp gói hỗ trợ tài chính trị giá 3 tỷ USD cho các doanh nghiệp chịu thiệt hại nhiều nhất và gói 200 triệu Rand (hơn 11 triệu USD) dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Nam Phi thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 128 trường hợp nhiễm chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này lên thành 402 ca và lần đầu tiên vượt qua Ai Cập với 327 ca. Đây là số ca nhiễm cao nhất trong một ngày kể từ khi nước này công bố trường hợp đầu tiên hôm 5/3, tương đương với tổng số ca nhiễm của 3 hôm trước đó. Hiện tại, trong tổng số người mắc COVID-19 tại Nam Phi, riêng tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô hành chính Pretoria và thủ phủ kinh tế Johannesburg, chiếm tới 207 trường hợp. Ngoài ra, tất cả 9 tỉnh của Nam Phi đều đã ghi nhận ca nhiễm.
Trước đó, hôm 15/3, Tổng thống Nam Phi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cấp quốc gia do bùng phát dịch COVID-19 sau khi nước ngày ghi nhận 61 ca nhiễm. Nam Phi ngay lập tức áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối toàn bộ những người đến từ các quốc gia có dịch, cấm các sự kiện có sự tham dự của trên 100 người và đóng cửa tất các các cơ sở giáo dục từ ngày 18/3.