Ngày 16/3, Chính phủ Nga thông báo giải ngân 4 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp chung sức hỗ trợ làm chậm đà lây lan dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết chính phủ có thể sử dụng khoản dự trữ 300 tỷ rúp (4 tỷ USD) trong ngân sách năm 2020 để giải quyết những nhu cầu cấp bách hàng đầu cũng như hỗ trợ các ngành công nghiệp và người dân. Ông nhấn mạnh nhà chức trách có thể hỗ trợ cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại, du lịch và hàng không, đồng thời cho biết chính phủ sẽ gia hạn các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủ tướng Mishustin cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nga, đặc biệt những tập đoàn lớn, triển khai các biện pháp nhằm hạn chế đà lây lan dịch COVID-19 cũng như đề xuất các giải pháp để hỗ trợ chính phủ. Ông nêu rõ: "Cuộc chiến chống đại dịch không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước mà còn của toàn xã hội" và mọi người dân Nga cần "hỗ trợ và tự chăm sóc bản thân".
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Mishustin nêu bật hiệu quả những biện pháp phòng ngừa mà chính phủ đã thực hiện tới nay, đồng thời cam kết đảm bảo minh bạch khi triển khai các bước đi mới trong tương lai. Ông cũng cho biết Nga đã đóng cửa biên giới với Belarus.
Cùng ngày, Chính phủ Thụy Điển đã công bố gói biện pháp trị giá hơn 300 tỷ krona (30,94 tỷ USD) nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Gói hỗ trợ này bao gồm các biện pháp như chính quyền trung ương gánh toàn bộ chi phí cho việc nghỉ ốm của nhân viên tại các công ty từ tháng 4 tới tháng 5, cũng như chi phí hỗ trợ những người mất việc tạm thời do dịch bệnh. Ngoài ra, các công ty cũng được phép hoãn nộp thuế và thuế giá trị gia tăng trong thời gian lên tới 1 năm, có hiệu lực từ đầu năm 2020.
Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Magdalena Andersson cho biết chính phủ hy vọng các biện pháp mới này sẽ giúp nhiều công ty vượt qua được giai đoạn khủng hoảng hiện tại cũng như bảo vệ việc làm cho người dân Thụy Điển. Theo quan chức này, Thụy Điển có đủ năng lực để xử lý các vấn đề tài chính phát sinh do dịch bệnh bùng phát với nguồn tài chính của chính phủ dồi dào và nợ chính phủ đang ở mức thấp nhất kể từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước.
Trước đó, Thụy Điển đã hỗ trợ tài chính cho giới chức địa phương nhằm ứng phó dịch bệnh, trong khi ngân hàng trung ương cung cấp các khoản vay lên tới 500 tỷ krona (51,6 tỷ USD) cho các doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng.