Theo quyết định của Chính phủ Nhật Bản, những người nước ngoài như giáo viên, chuyên gia y tế và những người đủ điều kiện lưu trú trung hay dài hạn từ 3 tháng trở lên, sẽ được phép nhập cảnh. Bên cạnh đó, những người nước ngoài tới Nhật Bản vì mục đích công tác trong thời gian dưới 3 tháng cũng đủ điều kiện nhập cảnh. Những người đủ điều kiện sẽ phải có kết quả kiểm tra âm tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trước khi nhập cảnh và các công ty hoặc tổ chức bảo lãnh cho những người này sẽ phải đảm bảo việc họ tự cách ly 14 ngày và không được phép sử dụng giao thông công cộng trong thời gian này.
Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét cho phép khoảng 1.000 người nước ngoài nhập cảnh mỗi ngày, trong đó ưu tiên cho những người có kế hoạch lưu lại trong thời gian tối thiểu 3 tháng. Trong cuộc họp gần đây của lực lượng đặc nhiệm của chính phủ về đối phó dịch COVID-19, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã nhấn mạnh: “Để phục hồi nền kinh tế, cần thiết phải nối lại du lịch quốc tế. Chúng tôi sẽ bắt đầu nới lỏng các hạn chế nhập cảnh dựa trên việc xem xét tình hình lây nhiễm dịch bệnh của mỗi quốc gia và cũng cân nhắc mức độ nhu cầu du lịch”. Hiện Nhật Bản đang từ chối cho phép nhập cảnh đối với các công dân từ 159 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong khi đó tại Nam Phi, lưu lượng hàng không qua sân bay chính của nước này đã giảm thiểu trong ngày 1/10 do các hạn chế mới của chính phủ, mặc dù các chuyến bay quốc tế được nối lại sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng.
Cách đây 2 tuần, Tổng thống Cyril Ramaphosa tuyên bố Nam Phi sẽ mở cửa biên giới trở lại nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng COVID-19. Tuy nhiên, ngày 30/9, Nam Phi thông báo nước này sẽ không cho phép du khách từ các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm và tử vong do COVID-19 cao hơn Nam Phi được nhập cảnh.
Những hình ảnh ghi nhận tại Sân bay quốc tế O. R. Tambo ở thành phố Johannesburg trong ngày 1/10 cho thấy một khung cảnh đìu hiu, chỉ có sự xuất hiện của một vài nhân viên tại các quầy bán vé và hầu như không có khách du lịch.
Danh sách các quốc gia bị hạn chế sẽ được Nam Phi điều chỉnh hai tuần một lần, do nền kinh tế quốc gia này phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ du lịch. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành "công nghiệp không khói" này đóng góp tới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng hơn 4% lực lượng lao động tại Nam Phi. Trong số du khách, các công dân Anh, Mỹ , Đức, Pháp và Hà Lan là những người chi tiêu nhiều nhất. Tuy nhiên, ngoài nước Đức, cả 4 quốc gia còn lại đều đang nằm trong danh sách hạn chế nhập cảnh của Nam Phi.
Hiện Nam Phi nằm trong nhóm 10 nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới (ở mức trên 670.000 người) và đã ghi nhận khoảng 16.600 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ lây nhiễm ở nước này đã giảm kể từ tháng 7 vừa qua.