Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, quyết định trên được Quốc hội Australia đưa ra trong phiên họp đặc biệt kéo dài cả ngày 8/4. Đây là gói hỗ trợ kinh tế thứ ba, tiếp sau các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ phúc lợi xã hội đã được Quốc hội nước này phê duyệt vào tuần trước, nhằm trợ giúp các doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Trong khuôn khổ gói hỗ trợ mới nhất nói trên, Chính phủ Australia sẽ chi trả một khoản trợ cấp tiền lương cố định 1.500 AUD (885 USD)/2 tuần cho mỗi người lao động chịu ảnh hưởng do đại dịch trong vòng 6 tháng. Khoản trợ cấp này được áp dụng cho các cơ sở kinh doanh có doanh số hằng năm dưới 1 tỷ AUD (600 triệu USD) song bị giảm 30% doanh thu, và các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ AUD (600 triệu USD) trở lên nhưng bị giảm 50% doanh thu do dịch bệnh. Trường hợp người lao động có mức lương cao hơn khoản trợ cấp trên, phần chênh lệch sẽ do doanh nghiệp chi trả.
Người lao động làm việc chưa đến một năm tại các doanh nghiệp và người nước ngoài đang tạm trú tại Australia không được hưởng khoản trợ cấp trên.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết khoản “trợ cấp giữ việc làm cho người lao động” sẽ được giải ngân vào đầu tháng 5 tới, nhưng đã có hiệu lực từ tháng 3 vừa qua. Tính đến ngày 8/4, đã có gần 750.000 doanh nghiệp Australia đăng ký được tiếp cận gói hỗ trợ nói trên.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt tuyên bố Chính phủ Australia sẽ không thực hiện phương thức miễn dịch cộng đồng, cho dù phải cần ít nhất một năm nữa mới có vaccine phòng bệnh COVID-19.
Trả lời họp báo, Bộ trưởng Hunt cho biết đã có một số ý kiến đề cập tới ý tưởng miễn dịch cộng đồng nhưng chính phủ đã ngay lập tức bác bỏ khả năng này. Ông nêu rõ “miễn dịch cộng đồng có nghĩa là sẽ để 60% dân số Australia, khoảng 15 triệu người, nhiễm bệnh COVID-19. Nếu tỷ lệ tử vong là 1%, sẽ có tới 150.000 người chết. Đây sẽ là một mất mát thảm khốc. Vì vậy, đây không phải là một lý thuyết mà chính phủ hoặc nội các xem xét hoặc đề xuất. Chúng tôi bác bỏ nó". Trước đó, Bộ trưởng Hunt khẳng định mục tiêu của chính phủ là không để người dân nhiễm bệnh và càng ít người mắc bệnh càng tốt.
* Trong một diễn biến khác, Bộ Y tế Malaysia cho biết có thêm 166 bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này đã hồi phục và được xuất viện, nhiều hơn số ca mắc mới trong ngày 8/4 (156 ca).
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Malaysia cũng ghi nhận thêm 2 ca tử vong, nâng số ca tử vong do dịch bệnh này lên thành 65 ca. Cả hai trường hợp đều trên 60 tuổi và một trong số đó từng có mặt tại sự kiện tôn giáo thu hút khoảng 16.000 người tham gia hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3.
Như vậy, tính đến hết ngày 8/4, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia là 4.119 ca. Tỷ lệ tử vong là gần 1,8%, trong khi tỷ lệ hồi phục là khoảng 36%. Malaysia đã bước vào ngày thứ 22 kể từ khi Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) có hiệu lực. Theo tờ The Star, mệnh lệnh này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 14/4 và hiện chưa có quyết định nào về việc kéo dài biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan này.
* Tại Singapore, Bộ Y tế xác nhận có thêm 142 ca mới dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tại nước này lên 1.623 ca. Đây là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Singapore. Bộ Y tế nước này cũng đã ghi nhận ca tử vong thứ 7.
Cũng theo thông báo của Bộ Y tế Singapore, 40 trong tổng số 142 ca mới có liên quan tới nhiều khu nhà ơ của lao động nước ngoài. Hiện giới chức trách đã tiến hành cách ly các công nhân tại 3 khu nhà ở có liên quan các ca nhiễm bệnh.