Reuters dẫn nguồn tin từ cơ quan y tế Italy cho biết, trong ngày 12/3, nước này đã ghi nhận thêm 189 ca tử vong mới, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch COVID-19 lên 1.016.
Trong vòng 24 giờ qua, quốc gia Nam Âu này cũng đã ghi nhận thêm 2.651 ca nhiễm bệnh mới, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Italy lên 15.113 người, tăng mạnh từ mức 12.462 người của ngày trước đó.
Ngoài "tâm dịch" Trung Quốc, Italy chính là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì dịch COVID-19 nhiều nhất thế giới. Chính phủ và người dân Italy đang "gồng mình" khi số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tăng mạnh trong hơn 24 giờ qua.
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy, ông Angelo Borrelli, cho biết hầu hết số ca tử vong tại nước này đều ở độ tuổi 50-60 và hơn 78% trường hợp tử vong đều có các bệnh lý trước đó.
Tại thời điểm dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, ngày 11/3, nước này đang khẩn trương tìm cách xác định "bệnh nhân số 0". Chuyên gia virus học Bệnh viện Sacco tại Milan, ông Massimo Galli cho biết các giả thuyết khá rõ ràng rằng COVID-19 xuất hiện ngày 21/2 tại tỉnh Lodi, vùng Lombardia, miền Bắc Italy, xuất phát từ “bệnh nhân số 0”, trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh tại Đức trong khoảng thời gian từ 24-26/1.
Ngày 12/3, nhà chức trách Italy thông báo sân bay Ciampino ở thủ đô Rome sẽ đóng cửa, trong khi một nhà ga tại sân bay Fiumicino bắt đầu ngừng hoạt động kể từ tuần tới. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn của công ty ADR điều hành 2 sân bay nói trên cho biết sân bay Ciampino sẽ đóng cửa vào nửa đêm 13/3, còn nhà ga số 1 tại sân bay Fiumicino sẽ đóng cửa vào ngày 17/3 tới. Tuy nhiên, các chuyến bay chở hàng vẫn có thể sử dụng sân bay Ciampino. Cũng theo ADR, 2 sân bay này sẽ nối lại hoạt động sau khi vượt qua "giai đoạn nguy cấp hiện tại".
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte thông báo Rome sẽ phân bổ thêm 25 tỷ euro (tương đương 28,3 tỷ USD) nhằm chống lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Chính phủ Italy cũng tuyên bố cấm tất cả các hoạt động thương mại, trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm. Các biện pháp mới quy định bao gồm đóng cửa các cửa hàng, quán bar, nhà hàng; đóng cửa các hiệu cắt tóc và trung tâm làm đẹp, các dịch vụ căng tin, không đảm bảo khoảng cách an toàn ít nhất 1 mét.
Các dịch vụ công cộng thiết yếu vẫn được đảm bảo, bao gồm vận tải, ngân hàng, bưu điện, tài chính, bảo hiểm... Các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông sản và các chuỗi cũng ứng được đảm bảo. Lĩnh vực công nghiệp có thể tiếp tục hoạt động sản xuất với điều kiện áp dụng các giao thức đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm, triển khai làm việc theo ca, nghỉ trước giờ, và đóng cửa các bộ phận không thiết yếu; thợ nước, thợ cơ khí, thợ thủ công, trạm xăng vẫn tiếp tục hoạt động và đây được coi là những dịch vụ thiết yếu.
Italy hiện là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Tuy nhiên, nước này cần có sự cho phép của Liên minh châu Âu (EU) khi muốn chi nhiều hơn so với quy định ngân sách của khối. Trước đó, Bộ trưởng Gualtieri thông báo Rome sẽ chi khoảng 7,5 tỷ euro (8,5 tỷ USD) để giảm thiểu những tác động kinh tế do dịch COVID-19. Điều này sẽ làm thâm hụt ngân sách năm nay của Italy tăng từ mức 2,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 2,5% GDP.