Theo cuộc khảo sát thường niên từ tháng 9-10/2020 được Viện Quản lý Công cộng Hàn Quốc (KIPA) công bố ngày 23/2, chỉ số hạnh phúc trung bình của 8.336 người dân nước này tham gia khảo sát ở mức 6,4/10 điểm, giảm 0,1 so với năm 2019. Tỷ lệ người tham gia khảo sát cho biết họ "rất hạnh phúc" cũng giảm từ 4,2% xuống còn 1,5% trong khoảng thời gian này.
Bên cạnh đó, những người được hỏi chia sẻ họ cảm thấy lo ngại về điều kiện kinh tế của mình không được đảm bảo. Theo đó, chỉ số ổn định kinh tế trung bình trong thời gian khảo sát chỉ đạt 4,8 điểm, giảm 0,2 điểm so với năm 2019, trong khi chỉ số tiềm năng kinh tế cũng giảm 0,1 điểm xuống còn 5,4 điểm.
Khảo sát cũng cho thấy trong năm ngoái, dịch bệnh COVID-19 làm giảm chất lượng cuộc sống của phụ nữ, giới trẻ, người cao tuổi và người có thu nhập thấp. Cụ thể, chỉ số hạnh phúc trung bình của phụ nữ chỉ đạt 6,4 điểm, giảm 0,3 so với năm 2019, trong khi chỉ số này của nam giới vẫn là 6,4 điểm. Mức độ hài lòng với cuộc sống của phụ nữ cũng giảm từ 6,1 điểm xuống 6,0 điểm trong năm 2020, nhưng chỉ số này ở nam giới lại tăng từ 5,9 lên 6,0 điểm. Ở nhóm đối tượng có thu nhập dưới 3 triệu won (2.700 USD)/tháng, chỉ số này chỉ còn 6,0, giảm 0,2 điểm5 so với năm 2019. Ngược lại, chỉ số của các hộ dân có thu nhập hằng tháng ở mức 5 triệu won trở lên vẫn duy trì ở mức 6,6 điểm trong năm thứ hai liên tiếp.
Về chỉ số ổn định kinh tế, trong năm ngoái, nhóm người ở độ tuổi 19-29 có số điểm trung bình thấp nhất với 4,5 điểm, tiếp đến là nhóm người từ 60 tuổi trở lên với 4,6 điểm, giảm lần lượt 0,3 và 0,4 điểm so với trước khi đại dịch bùng phát. Các nhóm tuổi còn lại hầu như không có thay đổi nào đáng kể.
Bà Song Jin-mi, chuyên gia tại KIPA, cho biết từ kết quả nghiên cứu, chính phủ cần triển khai các chính sách cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng để giảm thiểu các nguy cơ xã hội do đại dịch gây ra. Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các mạng lưới và cơ sở hạ tầng an toàn để đảm bảo mức sống cho người dân.