Dịch COVID-19 tại ASEAN tới sáng 28/3: Singapore hủy Hội nghị Shangri-La, Tổng tham mưu trưởng LLVT Philippines nhiễm virus

Đến rạng sáng 28/3, khu vực Đông Nam Á ghi nhận thêm 5 ca mắc COVID-19 và 22 người tử vong. Số ca nhiễm mới tại Indonesia tăng kỷ lục, trong khi tại Philippines, Tổng tham mưu trưởng quân đội có xét nghiệm dương tính và Bộ trưởng Quốc phòng hiện đã cách ly.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt của người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 26/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Tính tới rạng sáng 27/3, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 6.267 ca mắc COVID-19, trong đó có 5 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh đã tăng lên 174 người, tăng 22 ca so với một ngày trước đó. 

Theo nguồn tin từ tờ Straits Times, Hội nghị Đối thoại Shangri-La - diễn đàn an ninh cấp cao khu vực do Singapore tổ chức - sẽ không diễn ra từ ngày 5-7/6 như kế hoạch do tình hình dịch bệnh. Nếu thông tin này được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Đối thoại Shangri-La thường niên bị hủy bỏ kể từ khi diễn đàn này được bắt đầu tổ chức vào năm 2002.

Tổng hợp số liệu dịch bệnh COVID-19 tại các nước ASEAN ngày 27/3:
Quốc gia Tổng số ca mắc Ca bệnh mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Malaysia 2.161 137 26 3 259
Thái Lan 1.136 91 5 1 97
Indonesia 1046 153 87 9 46
Philippines 803 96 54 9 31
Singapore 732 49 2 0 183
Việt Nam 163 10 0 0 20
Brunei 115 1 0 0 11
Campuchia 99 1 0 0 19
Lào 6 0 0 0 0
Myanmar 5 0 0 0 0
Timor Leste 1 0 0 0 0

Ngày 27/3, Indonesia ghi nhận 153 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Đây là mức tăng cao kỷ lục về số người nhiễm mới trong vòng một ngày ở quốc đảo này, qua đó nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 1.046 trường hợp. Indonesia cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong mới do COVID-19, đưa tổng số trường hợp tử vong ở nước này lên con số 87, cao nhất ở Đông Nam Á.

Chính phủ Indonesia đang cân nhắc kế hoạch cấm hàng triệu tín đồ Hồi giáo đang làm ăn sinh sống tại các thành phố lớn trong nước trở về quê trong dịp lễ xả chay Idul Fitri. Kế hoạch này nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tràn từ thành phố về các vùng quê. Năm nay, Idul Fitri - ngày lễ lớn của người Hồi giáo ngay sau khi kết thúc tháng nhịn ăn Ramadan - dự kiến sẽ diễn ra trong các ngày 24-25/5 tới với khoảng 20 triệu người từ thành thị sẽ về các vùng nông thôn của “xứ vạn đảo”. 

Ba kịch bản đã được trình lên Tổng thống Joko Widodo, trong đó có việc cấm hoặc hạn chế quy mô của cuộc “đại di cư” thường niên này thông qua việc cắt giảm các dịch vụ hỗ trợ, miễn phí di chuyển. Theo đó, Tổng cục Vận tải hàng không thuộc Bộ Giao thông vận tải sẽ cắt giảm tới 50% số vé các chuyến bay, đồng thời hạn chế các phương tiện giao thông từ vùng Đại Jakarta, vốn đang là “tâm dịch” COVID-19 tại Indonesia, tới các tỉnh Trung Java và Đông Java.

Cùng ngày, Hạ viện Indonesia cho biết ít nhất 15.000 sinh viên y khoa trên toàn quốc đã sẵn sàng tham gia chiến dịch phòng chống dịch COVID-19. Theo báo cáo của Nhóm Phản ứng nhanh COVID-19 của Chính phủ Indonesia, số sinh viên nói trên thuộc 158 trường đại học y dược đã đăng ký trợ giúp cho đội ngũ 1.500 bác sĩ và 2.500 y tá đang ở tuyến đầu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế ở Manila, Philippines mặc áo bảo hộ phòng lây nhiễm. Ảnh: AFP

Đến hết ngày 27/3, Malaysia ghi nhận thêm 137 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), nâng tổng số ca mắc bệnh lên 2.161, trong đó có 26 trường hợp tử vong. Như vậy số ca nhiễm đã giảm đáng kể so với một ngày trước đó, tăng 235 ca.

Cùng ngày, Malaysia đã công bố “gói kích cầu kinh tế lấy con người làm trung tâm", trị giá 250 tỷ ringgit (58,28 tỷ USD). Đây là gói cứu trợ thứ hai được chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đưa ra trong vòng 1 tháng nhằm hạn chế tác động về kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. 

Trong bài phát biểu phát trên truyền hình, Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin khẳng định tình hình hiện nay là "chưa từng có tiền lệ", đòi hỏi các biện pháp chưa từng có. Ông cho biết gói kích cầu này đảm bảo bao phủ toàn bộ các thành phần trong xã hội. Theo đó, trong số 250 tỷ ringgit, chính phủ sẽ dành 128 tỷ ringgit cho các khoản phúc lợi xã hội, 100 tỷ ringgit để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa vào nhỏ, cùng 2 tỷ ringgit để thúc đẩy các thành phần kinh tế khác. Nhóm thu nhập thấp và tầng lớp trung lưu được hỗ trợ tổng cộng 10 tỷ ringgit.

Malaysia là nước có số người mắc COVID-19 cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Chính phủ nước này đã kéo dài lệnh cấm đi lại cho đến ngày 14/4 nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. 

Là một "điểm nóng" dịch ở Đông Nam Á, Malaysia  đã được lựa chọn là một trong những quốc gia nơi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến hành một nghiên cứu chung về thuốc Remdesivir, dược phẩm được sử dụng trong điều trị dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Remdesivir là loại thuốc chống virus mới được sử dụng trong điều trị virus Ebola và Marburg. Loại thuốc này cũng được ghi nhận có hoạt tính chống lại một số virus khác như virus gây bệnh về hô hấp và virus corona.

Tại Thái Lan, ngày 27/3 ghi nhận thêm 91 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm virus lên 1.136, với 5 ca tử vong và 97 người đã hồi phục.

Cùng ngày Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố sẵn sàng tăng hỗ trợ kinh tế. Theo ông, người dân cần hiểu rõ chính phủ đang nỗ lực hết sức để có thể ổn định kinh tế, giúp người dân giữ được việc làm và các công ty duy trì hoạt động. Trong khi đó, Tư lệnh Các lực lượng quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Pornpipat Benyasri, hối thúc người dân nước này ở nhà và ngừng các hoạt động xã hội trong 7 ngày từ cuối tuần này. Theo ông Pornpipat, người dân Thái Lan phải thay đổi hành vi và ở trong nhà trước khi số ca mắc bệnh COVID-19 nhảy vọt và tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Tại Philippines, số ca nhiễm mới trong ngày 27/3 tăng thêm 96 trường hợp, nâng tổng số ca COVID-19 lên 803, trong đó có 54 ca tử vong. 

Cùng ngày, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Felimon Santos Jr đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là xác nhận từ Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, người cũng đang bị cách ly sau khi có kết quả xét nghiệm của Tướng Santos.

Diễn biến dịch bệnh đã khiến Philippines và Mỹ thống nhất hủy các cuộc diễn tập quân sự thường niên giữa hai nước để tập trung đối phó với dịch COVID-19. Trước mắt, cuộc tập trận "Vai kề vai" (Balikatan 2020), theo kế hoạch sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 15/5 tại Philippines với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ đến từ hai nước, đã bị hủy bỏ. 

Chú thích ảnh
Binh sĩ Philippines đo thân nhiệt hành một lái xe tại chốt kiểm tra phòng dịch ở Quezon. Ảnh: EPA

Philippines ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tương đối thấp hơn một số nước khác, nhưng các chuyên gia y tế cho rằng, tình trạng thiếu xét nghiệm có thể đồng nghĩa quy mô của dịch vẫn chưa được nhìn nhận rõ. Cựu Bộ trưởng Y tế Philippines Esperanza Cabral nhận định tỉ lệ lây nhiễm được ghi nhận có thể chỉ là phần nổi, bởi cho đến nay nước này mới làm xét nghiệm cho 2.147 người. "Chúng ta không thể phán đoán quy mô của dịch cho đến khi xét nghiệm được khoảng 10.000 - 20.000 người", ông Cabral nói với Reuters. Trong khi đó, các bệnh viện tư nhân ở thủ đô Manila ngày 27/3 tuyên bố dừng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trong bối cảnh phải đối mặt với làn sóng người nhiễm virus và người cần xét nghiệm tăng cao. 

Chính phủ Philippines đã tiến hành những biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát dịch lây lan ngay từ khi ghi nhận ca lây nhiễm nội địa đầu tiên vào 7/3, trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc và Italy, áp đặt lệnh cách ly tại nhà, ngừng các hoạt động thương mại, giao thông và kinh doanh. Tuy nhiên hệ thống y tế tại quốc gia này tương đối yếu, chỉ với 10 giường bệnh và 14 bác sĩ/10.000 dân, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong khi Italy có trên 40 bác sĩ và 30 giường bệnh/10.000 dân.

Cùng ngày 27/3, các quốc gia Lào, Myanmar và Timor Lester không ghi nhận thêm các ca nhiễm mới, trong khi Brunei và Campuchia mỗi nước chỉ báo cáo thêm 1 ca nhiễm mới.

Ngà 27/3, Việt Nam ghi nhận 10 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc lên 163 trường hợp. Các bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị tại 20 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đến nay, đã có 48 ca có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1 đến 4 lần. Ngày 27/3, ba bệnh nhân điều trị tại Đà Nẵng đã được xuất viện là: Hai người Anh (BN22 và 23) tiếp tục được cách ly theo dõi sức khỏe tại Quận Sơn Trà. BN35, nữ nhân viên siêu thị Điện máy Xanh, được cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày. Đến thời điểm này, cũng đã có 4 nhân viên y tế ở nước ta mắc COVID-19.
Thu Hằng/Báo Tin tức
Người tị nạn Idlib, Syria tay không trước cơn  'sóng thần' COVID-19
Người tị nạn Idlib, Syria tay không trước cơn 'sóng thần' COVID-19

Gia đình Fatima đã nhiều lần thoát chết trong 9 năm nội chiến, nhưng họ không thể chạy trốn khỏi đại dịch toàn cầu. COVID-19 đang hướng tới tỉnh Idlib như một "cơn sóng thần di chuyển chậm", theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN