Theo phóng viên TTXVN tại Washington, dự luật nếu được thông qua và ban hành thành luật sẽ mở đường cho việc Chính phủ Mỹ bơm hơn 1.000 tỷ USD vào nền kinh tế trong chương trình hỗ trợ các công ty chịu thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra. Tuy nhiên, dự luật trên không được thông qua khi chỉ có 49 Thượng nghị sĩ ủng hộ và 46 Thượng nghị sĩ phản đối, không đạt được tỷ lệ cần thiết là 3/5 tổng số phiếu, tương đương 60 phiếu ủng hộ trong 100 phiếu tại Thượng viện.
Ngày 19/3, ông Mitch McConnell đã đề xuất gói cứu trợ khẩn nói trên nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19. Trình bày trước Thượng viện, ông McConnell cho biết dự luật cứu trợ khẩn cấp sẽ đưa ra "hành động quyết liệt đối với 4 ưu tiên chính vô cùng cấp bách và cần thiết". Ông nêu rõ 4 ưu tiên bao gồm trực tiếp hỗ trợ tài chính cho người dân Mỹ, nhanh chóng cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và người lao động, thực hiện các bước đi quan trọng để ổn định nền kinh tế và bảo vệ việc làm, tăng cường hỗ trợ các nhân viên y tế ở tuyến đầu và các bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong trường hợp Thượng viện thông qua, văn kiện này sau đó sẽ phải qua "ải" Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát và Tổng thống Donald Trump ký ban hành luật.
Đây là dự luật hỗ trợ thứ 3 và là dự luật có số tiền lớn nhất của Chính phủ Mỹ nhằm đối phó với dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.