Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Đông Nam Á khi số ca mắc tại nhiều nước đang ngày một gia tăng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Serdang, gần Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, ngày 20/4, Malaysia đã ghi nhận thêm 2.341 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 379.473. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp Malaysia ghi nhận trên 2.000 ca mắc COVID-19.

Bang Sarawak tiếp tục có số người nhiễm trong ngày cao nhất, với 600 ca, tiếp đến là bang Selangor với 539 ca, Kelatan 429 ca và thủ đô Kuala Lumpur 344 ca. Đáng chú ý, trong thời gian từ ngày 3 - 16/4, bang Kelantan đã ghi nhận tổng cộng 464 ca nhiễm bệnh liên quan tới các trường học, bao gồm cả học sinh, giáo viên và nhân viên phục vụ.

Trong bối cảnh Malaysia đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 dịch COVID-19, với cụm lây nhiễm chủ yếu bùng phát tại các công trường và công xưởng lao động có nhiều lao động nhập cư, chính phủ nước này đã tiến hành rà soát lực lượng lao động nhập cư bất hợp pháp để triển khai việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho những đối tượng này, thậm chí đề nghị chủ lao động cam kết tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho nhân công.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Nội vụ Hamzah Zainudin cho biết tính đến nay, đã có tổng cộng 145.830 người lao động nhập cư bất hợp pháp đăng ký Chương trình rà soát lực lượng lao động và Chương trình rà soát lực lượng lao động để hồi hương kể từ khi 2 chương trình này được triển khai vào tháng 11/2020. Cụ thể, đã có 72.324 lao động nhập cư bất hợp pháp đăng ký hồi hương và 73.506 người lao động khác đã đăng ký để được trở lại làm việc một cách hợp pháp.

Ông Hamzah cho rằng mục đích của chính phủ khi triển khai hai chương trình trên nhằm đảm bảo chỉ có những người nước ngoài có giấy tờ hợp pháp mới được làm việc tại nước này. Theo ông, nếu còn những người lao động nhập cư bất hợp pháp không được tiêm phòng thì đất nước sẽ không thể đạt được miễn dịch cộng đồng, đồng thời hối thúc Cục nhập cư hợp tác để đảm bảo tất cả người nước ngoài đang sinh sống tại Malaysia hợp tác với chính phủ về vấn đề này.

* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Campuchia đã ghi nhận thêm 431 ca mắc COVID-19, trong đó có 2 trường hợp "nhập cảnh", số còn lại liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2.

Để giải quyết tình trạng khó khăn do lệnh phong tỏa thủ đô, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã chỉ thị tất cả các quận, huyện thuộc thành phố phải cấp thẻ “mua hàng” để mỗi gia đình chỉ có 1 thành viên được phép đi lại mua lương thực và nhu yếu phẩm trong thời gian này. Ông yêu cầu chính quyền các cấp ở Phnom Penh phải đảm bảo công bằng trong việc phân phát thẻ “mua hàng” để người mua lẫn các tiểu thương phải tuân thủ chặt chẽ những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Vấn đề mua nhu yếu phẩm tại Phnom Penh bắt đầu trở nên nan giải khi lệnh phong tỏa được ban bố từ tuần trước, với nhiều người dân phàn nàn rằng họ bị thiếu nguồn cung ứng, nhiều chợ bị đóng cửa do liên quan tới các ca lây nhiễm, trong khi việc đi lại giữa các quận bị cấm, dù là với mục đích mua hàng.

Tại tỉnh Preah Sihanouk vùng duyên hải Tây Nam Campuchia, chính quyền địa phương đã thông báo ngừng hoạt động Trung tâm Kinh doanh Sihanoukville (còn gọi là “Chợ Trung Quốc”) trong vòng 14 ngày (từ ngày 20/4 đến ngày 3/5) để phòng nguy cơ dịch COVID-19 lây lan. Theo sắc lệnh của Tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanouk, ông Kouch Chamroeun, toàn bộ những người kinh doanh trong trung tâm mua sắm này phải đi xét nghiệm COVID-19. Chính quyền cũng khuyến cáo tất cả những ai từng giao dịch và mua sắm tại đây phải tự cách ly ở nhà, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế Campuchia.

Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 7.444 ca mắc COVID-19, trong đó có 49 trường hợp tử vong.

* Cũng trong ngày 20/4, Lào thông báo có thêm 2 ca mắc COVID-19. Cả 2 trường hợp này đều liên quan tới các hành vi nhập cảnh bất hợp pháp từ Thái Lan.

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, các trường hợp mới mắc bệnh nằm trong 456 mẫu xét nghiệm được Bộ Y tế Lào thực hiện ngày 19/4. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày, Lào liên tục phát hiện 5 ca mắc COVID-19 xuất phát từ hành vi nhập cảnh bất hợp pháp. Điều này đang đặt Lào trước nguy cơ lớn về đợt bùng phát COVID-19 mới.

Hiện Lào có tổng cộng 60 ca mắc COVID-19 và chưa có trường hợp tử vong.

* Trong khi đó, các bệnh viện tại Philippines đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn. Lực lượng chức năng ở thủ đô Manila khẳng định tình hình dịch bệnh tại đây đang diễn biến phức tạp, khi số ca nhiễm ngày một tăng.

Theo số liệu của Bộ Y tế Philippines, kể từ đầu tháng, nước này đã ghi nhận trung bình hơn 10.400 ca mắc COVID-19, gần gấp đôi so với con số ghi nhận được trong tháng 3 và vượt xa con số bình quân 213 ca/ngày vào tháng 4/2020, cũng như 2.169 ca nhiễm trong 6 tháng cuối năm 2020.

Việc chính phủ quyết định phong tỏa thủ đô Manila, với khoảng hơn 13 triệu dân, dường như không giúp giảm bớt khó khăn cho hệ thống y tế. Theo các dữ liệu của Chính phủ Philippines, các khoa chăm sóc đặc biệt ở Manila đang hoạt động ở mức 84% công suất, trong khi 70% giường bệnh đã được dùng cho bệnh nhân mắc COVID-19 và 63% giường bệnh được dùng để cách ly. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Philippines cho biết sẽ bổ sung thêm hơn 1.400 giường bệnh tại Manila

Cho tới nay, Philippines ghi nhận 945.745 trường hợp mắc COVID-19, trong đó khoảng 16.000 người không qua khỏi.

* Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này khẳng định sẽ có đủ giường bệnh cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới khiến số ca nhiễm tăng nhanh trong những ngày gần đây.

Thái Lan đang duy trì chính sách tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 kể cả những trường hợp không có triệu chứng đều nhập viện. Điều này làm dấy lên lo ngại khả năng đáp ứng của ngành y tế trong trường hợp số bệnh nhân có các triệu chứng nặng tăng nhanh.

Hiện Bộ Y tế Thái Lan đang lên kế hoạch cho phép bệnh nhân có các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn tự cách ly tại nhà để dành giường bệnh cho những trường hợp bệnh nặng. Tuy nhiên, việc cách ly tại nhà chưa được áp dụng vào thời điểm này vì vẫn còn khoảng 3.000 giường vẫn trống trên toàn quốc

Trong ngày 20/4, Thái Lan ghi nhận thêm 1.443 ca mắc COVID-19 và 4 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc lên 45.185 ca, trong đó có 108 trường hợp không qua khỏi.

Hằng Linh - Phạm Kiên - Trần Long - Huy Tiến (TTXVN)
Malaysia triển khai giai đoạn 2 chương trình tiêm chủng vaccine toàn quốc
Malaysia triển khai giai đoạn 2 chương trình tiêm chủng vaccine toàn quốc

Ngày 19/4, Bộ trưởng Y tế Malaysia Adham Baba cho biết quốc gia Đông Nam Á bắt đầu triển khai giai đoạn 2 chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 toàn quốc (NIP) tại 9 bang Kedah, Melaka, Penang, Pahang, Sabah, Sarawak, Terengganu, Negri Sembilan, Perlis và vùng lãnh thổ liên bang Labuan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN