Nga cũng ghi nhận thêm 60 ca tử vong, đưa tổng số người tử vong tại đây lên 615 ca. Ngoài ra, 677 người đã được chữa khỏi bệnh, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 5.5 người.
Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đông nhất. Chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, Moskva có 2.957 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc bệnh ở thủ đô lên 36.897 người; và 37 người tử vong, đưa tổng số người tử vong lên 325 ca.
Các địa phương khác ghi nhận nhiều ca nhiễm mới trong ngày gồm có tỉnh Moskva 611 ca; thành phố St. Petersburg 253 ca; Cộng hòa Dagestan 113 ca; tỉnh Nizhny Novgorod 94 ca; tỉnh Krasnodar 84 ca.
* Tại Ukraine, Bộ Y tế Ukraine thông báo tính đến 9h sáng 24/4, nước này đã ghi nhận thêm 477 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm lên 7.647 người. Trong 1 ngày qua đã có thêm 97 người khỏi bệnh, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 601 người, và 6 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca tử vong tại đây lên 193 ca. Tính đến sáng 24/4, Trung tâm Y tế cộng đồng của Ukraine đã nhận được 1.460 thông báo về các trường hợp bệnh nghi ngờ.
* Tại Đức, theo thông báo của Viện Robert Koch, cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, nước này ghi nhận thêm 2.337 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên 150.3. Đã có thêm 227 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong tại Đức lên 5.321 người. Trong khi đó, 106.800 người đã được chữa khỏi, tăng 3.500 người so với một ngày trước.
Phát biểu tại Hạ viện Đức ngày 23/4, Thủ tướng Angela Merkel cho biết con số thống kê gần đây "mang lại hy vọng", nhưng "kết quả tạm thời này rất mong manh". Bà Merkel chỉ trích một số địa phương đã quá "nóng vội" trong xử lý dịch bệnh, yêu cầu tất cả các địa phương phải tiếp tục cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh nguy cơ khiến công sức chống dịch của chính phủ đổ bể.
Một vài doanh nghiệp nhỏ và một số điểm công cộng đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 20/4, trong khi đó lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc vẫn tiếp tục được áp dụng tại Đức tới ít nhất ngày 3/5 tới. Trong khi các doanh nghiệp lo ngại tác động của đại dịch, chỉ số niềm tin doanh nghiệp Đức trong tháng 4 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Theo hãng thăm dò Ifo, chỉ số này đã giảm xuống 74,3 điểm, thấp hơn so với mức 85,9 điểm trong tháng 3 và là mức thấp nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay.
Do đại dịch hoành hành tác động xấu đến nền kinh tế và khiến thêm nhiều người mất việc, hãng nghiên cứu thị trường lao động IAB dự kiến nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ giảm 8,4% trong năm nay, đánh dấu đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. IAB cũng dự báo số người thất nghiệp tại Đức sẽ tăng thêm 520.000 và vượt 3 triệu người trong năm 2020.
* Ngày 24/4, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết số ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng, với 367 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Như vậy, tổng số ca tử vong do bệnh này ở Tây Ban Nha đã tăng lên 22.524 người so với 22.157 người một ngày trước đó. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 của Tây Ban Nha cũng tăng lên 219.764 người so với 213.024 người một ngày trước đó.
Hiện quốc gia thuộc Bán đảo Iberia này vẫn là ổ dịch lớn nhất tại châu Âu, tiếp đó là Italy - với 189.973 người mắc COVID-19 và 25.549 trường hợp tử vong.
* Ngày 24/4, truyền thông Italy đưa tin nước này sẽ nởi lỏng lệnh phong tỏa trong khoảng 4 tuần nữa. Quốc gia Địa Trung Hải này là nơi áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất và dài nhất ở châu Âu.
Theo nhật báo Corriere della Sera, "sự mở cửa trở lại của Italy" còn phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm, tuy nhiên nếu số ca mắc bệnh không tăng thêm thì "các nhà máy sản xuất trang thiết bị nông - lâm nghiệp có thể mở cửa trở lại vào ngày 27/4". Các công trình đang xây dựng dang dở cũng như ngành may mặc và thời trang có thể tái hoạt động vào ngày 4/5, tiếp sau đó 1 tuần là các cửa hàng quần áo, giày dép và nhiều cửa hàng khác. Cuối cùng các quán bar, nhà hàng và tiệm cắt tóc có thể mở cửa lại vào ngày 18/5. Việc tái mở cửa từng bước này sẽ phải tuân thủ những biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt và tiếp tục giãn cách xã hội.
* Trong khi đó, tại Iran, người phát ngôn Bộ Y tế Kianush Jahanpur cho biết ngày 24/4, nước này đã ghi nhận thêm 93 ca tử vong vì mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở đây lên thành 5.574 người. Theo ông Kianush Jahanpur, tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Iran hiện là 88.194, trong đó có 3.121 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
* Còn tại nước Mỹ, theo thống kê của hãng tin Reuters, tổng số ca tử vong có thể lên tới 50.000 người trong ngày 24/4. Thực tế, tính đến 18h30 (theo giờ Việt Nam), theo trang worldometer, số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 50.243 người.
Khoảng 875.000 người Mỹ mắc bệnh và trung bình khoảng 2.000 người tử vong/ngày trong tháng này. Số ca bệnh thực tế có thể còn cao hơn với việc các quan chức y tế địa phương cảnh báo do tình trạng thiếu nhân lực có chuyên môn và cơ sở y tế hạn chế năng lực xét nghiệm virus.
Số ca tử vong cũng có thể cao hơn do hầu hết các bang chỉ thống kê những bệnh nhân trong bệnh viện và bệnh xá chứ không tính những người tử vong tại nhà. Khoảng 40% số ca tử vong ở New York - tâm dịch COVID-19 ở Mỹ, tiếp đến là các bang New Jersy, Michigan và Massachusetts.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết khi số ca tử vong ở Mỹ đạt 50.000 người sẽ vượt qua tổng số người Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là 36.516 người và vượt qua cả số người tử vong do cúm mùa trong 7/9 mùa cúm gần đây.