Dịch COVID-19: Trung Quốc, Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế

Ngày 30/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giảm lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược (repo) ở mức lớn nhất kể từ năm 2015, trong bối cảnh giới chức nước này đang đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm giảm thiểu tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chú thích ảnh
Kiểm đồng 100 Nhân dân tệ tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong thông báo của mình, PBoC cho biết hạ lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,4% xuống còn 2,2%, mức thấp kỷ lục. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng quyết định “bơm” 50 tỷ NDT (7 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày này. 

Hợp đồng mua lại đảo ngược là một quá trình trong đó PBoC mua chứng khoán từ các ngân hàng thương mại thông qua đấu thầu, với thỏa thuận bán ra trong tương lai. Ông Ma Jun, một thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ của PBoC nhận định việc cắt giảm lãi suất đối với hợp đồng mua lại đảo ngược cho thấy ngân hàng trung ương đã tăng cường việc điều chỉnh ngược chu kỳ bất chấp hoạt động sản xuất được khôi phục trong nước và môi trường kinh tế bên ngoài đang ngày càng xấu đi. Quan chức này cũng cho rằng việc cắt giảm lãi suất hợp đồng repo sẽ giúp giảm chi phí cho vay đối với nền kinh tế thực. Trong khi đó, giới chuyên gia cũng đánh giá việc "bơm" 50 tỷ NDT vào hệ thống tài chính sẽ giúp đáp ứng nhu cầu thanh khoản thị trường trong ngắn hạn. 

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Singapore cũng đã nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh nước này có nguy cơ đối mặt với một đợt suy thoái sâu do đại dịch COVID-19.

Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore cho biết đã tiến hành hạ tỷ giá tham chiếu, qua đó cho phép đồng nội tệ dollar Singapore (SGD) yếu hơn so với các đồng ngoại tệ của các đối tác thương mại chính nhằm hỗ trợ tăng trưởng theo hướng xuất khẩu. Ngân hàng này nhận định bất ổn lớn vẫn còn tồn tại và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh cũng như mức độ hiệu quả của các biện pháp chính sách.

Thay vì sử dụng tỷ lệ lãi suất, Singapore quản lý chính sách tiền tệ bằng cách cho đồng SGD tăng hoặc giảm so với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại. Trung tâm tài chính này là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới song thường chịu tác động nặng nề nhất và sớm nhất khi xảy ra bất kỳ "cú sốc" toàn cầu nào. Trong 3 tháng đầu năm, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore đã giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm thấp nhấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. 

Động thái mới nhất được PBoC và Ngân hàng Trung ương Singapore đưa ra sau khi các chính phủ và các ngân hàng trung ương khác trên toàn thế giới thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ và công bố các biện pháp kích thích kinh tế trị giá khoảng 5.000 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19. Hãng S&P Global Rating đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 xuống 4,8%, từ mức ước tính trước đó là 5,7%. Trong khi đó, Bộ Thương mại Singapore cũng dự báo tăng trưởng GDP của nước này sẽ giảm tới 4% trong năm nay.

Cũng trong nỗ lực giảm thiểu tác động do dịch COVID-19, cũng trong ngày 30/3, Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lượng trái phiếu chính phủ phát hành trong năm nay có giá trị lên tới khoảng 70 tỷ krone tới 80 tỷ krone (6, tỷ USD- 8,11 tỷ USD) so với kế hoạch ban đầu lượng trái phiếu trị giá 55 tỷ krone (5,2 tỷ USD). Bước đi này được được đưa ra sau khi Chính phủ Na Uy quyết định dành các khoản vay trị giá hàng chục tỷ crown trong quỹ khẩn cấp cho các công ty chịu thiệt hại do đại dịch COVID-19.  

Trong khi chi tiêu ngân sách tài khóa của Na Uy được lấy từ tiền thuế, nguồn thu dầu mỏ và quỹ phúc lợi quốc gia quy mô lớn, các chương trình cho vay chính phủ dành cho học sinh, sinh viên và các công ty được huy động thông qua trái phiếu chính phủ. Như một phần trong nỗ lực ứng phó với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, Quốc hội Na Uy đã thông qua việc thành lập Quỹ Trái phiếu chính phủ trị giá 50 tỷ krone (4,74 tỷ USD) tập trung đầu tư vào các trái phiếu do các công ty phát hành. Ngân hàng Trung ương hiện đặt mục tiêu tiến hành 19 cuộc đấu giá trái phiếu trong năm 2020, thay vì 15 cuộc như kế hoạch trước đó.

Phương Oanh (TTXVN)
Iran chi khẩn cấp 23,9 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế do dịch COVID-19
Iran chi khẩn cấp 23,9 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế do dịch COVID-19

Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa thông báo chính phủ nước này đã phân bổ ngân sách lên tới 23,9 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng tại quốc gia này. Hiện tổng số ca tử vong do dịch COVID-19 tại nước này đã lên 2.640 người. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN