Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh, với 9.934.653 ca nhiễm, trong đó có 241.098 ca tử vong. Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ có nguy cơ khó kiểm soát hơn khi biểu tình bùng phát tại nhiều thành phố sau ngày bầu cử tổng thống.
Thống kê cho thấy có tới 17 trong số 50 bang tại Mỹ, đặc biệt là các bang Trung Tây, đồng loạt ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, bang Illinois đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc mới và cùng với bang Texas, hai bang này đang đứng đầu nước Mỹ về số bệnh nhân nhiễm mới cao nhất trong vòng 7 ngày trở lại đây.
Trước tình hình này, một số bang và thành phố đã ban hành một số biện pháp mới như lệnh giới nghiêm, thu hẹp quy mô sự kiện tập trung. Tuy nhiên, hiện chưa có bất kỳ biện pháp nào ở cấp liên bang để chặn đứng làn sóng lây nhiễm này.
Sau Mỹ là Ấn Độ với với 8.419.991 triệu người mắc COVID-19 và 125.075 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với 5.614.258 ca nhiễm và 161.779 ca không qua khỏi.
Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn diễn biến phức tạp khi có thêm nhiều nước, trong đó có Nga, Đức, Hungary ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong ngày. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Nga đã lần đầu tiên ghi nhận trên 20.000 ca nhiễm mới tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 1.733.440 ca, trong đó có 29.887 ca tử vong.
Tại thủ đô Moskva - nơi có số ca nhiễm mới và mắc COVID-19 cao nhất cả nước, một số bệnh viện đều thông báo không còn giường trống để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Trước tình hình trên, nhiều bệnh viện dã chiến đã được lập ở trung tâm triển lãm Sokolniki, cung điện băng Krylatskoye và một số cơ sở lớn khác để tiếp nhận bệnh nhân. Theo thị trưởng thủ đô, ông Sergei Sobyanin, 50% số giường tại các bệnh viện bổ sung này đã kín bệnh nhân.
Số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) công bố cũng cho thấy lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại Đức, quốc gia này ghi nhận 21.506 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, đưa tổng ca nhiễm lên gần 620.000 ca. Số ca nhiễm mới trong ngày đã tăng vượt mức cảnh báo mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra cuối tháng 9 năm nay cho rằng có thể lên tới trên 19.000 ca nhiễm mới mỗi ngày cho tới Giáng Sinh. Đức cũng đang chứng kiến số ca tử vong do dịch COVID-19 tăng cao, khi có trên 100 ca tử vong trong ngày thứ 4 liên tiếp. Hiện tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này là 11.096 ca.
Hungary cũng đã ghi nhận thêm 4.709 ca nhiễm - mức cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 99.625 ca, trong đó có 2.250 ca tử vong.
Trong khi đó, Ba Lan ghi nhận số ca tử vong cao chưa từng thấy, với 445 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca không qua khỏi lên 7.287 người. Trong khi đó, số ca mắc tại quốc gia Đông Âu này tăng thêm 27.086 ca, gần mức kỷ lục 27.143 ca ngày 5/11.
Đáng chú ý, Đan Mạch đã phải ban hành các biện pháp hạn chế đặc biệt đối với hơn 280.000 người ở Tây Bắc nước này sau khi phát hiện 1 biến thể của virus SARS-CoV-2 trên chồn xuất hiện ở người. Theo đó, người dân tại 7 khu vực ở phía Bắc Jutland được khuyến cáo ở nhà, trong khi các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, các phương tiện giao thông công cộng cũng phải ngừng hoạt động. Đan Mạch - nước xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới, cũng đã quyết định tiêu hủy toàn bộ chồn ở nước này, ước tính từ 15 - 17 triệu con tại hơn 1.080 trang trại.
Tại Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab đang tự cách ly sau khi tiếp xúc gần một ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong thời gian này, ông sẽ tiếp tục làm việc từ xa. Nhà chức trách Anh cũng thông báo loại Đan Mạch ra khỏi danh sách hành lang du lịch, từ ngày 6/11, theo đó du khách đến từ nước này khi nhập cảnh Anh phải tự cách ly trong 14 ngày.
Romania sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc và đóng cửa tất cả các trường học trong 30 ngày từ 9/11 tới. Theo đó, mọi cửa hàng sẽ phải đóng cửa từ 21h00 và mọi người phải ở trong nhà từ 23h00 - 5h00. Mọi khu chợ nông sản trong không gian kín cũng sẽ phải đóng cửa, trong khi người dân phải đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng trên cả nước.
Chính phủ Slovenia cũng quyết định gia hạn lệnh cấm di chuyển giữa các thành phố và giới hạn tụ tập tối đa 6 người thêm một tuần. Đây là lần thứ hai Chính phủ Slovenia gia hạn thực hiện các biện pháp hạn chế kể từ khi áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất vào ngày 24/10.
Tại châu Á, tình hình dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp khi Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong 1 ngày, còn Hàn Quốc ghi nhận nhiều ổ dịch mới. Trong 24 giờ qua, Malaysia đã ghi nhận 1.755 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên .189 ca. Ngoài ra, với thêm 2 ca bệnh không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Malaysia kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay là 279 ca.
Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines cùng ngày ghi nhận 2.092 ca nhiễm mới và 52 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại Philippines tăng lên lần lượt 391.809 ca và 7.461 ca.
Tại Indonesia, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận 3.778 ca nhiễm mới và 94 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 lên mức 429.574 ca và 14.442 ca. Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới ở Hàn Quốc được ghi nhận duy trì ở mức trên 100 ca/ngày trong ngày thứ ba liên tiếp. Nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng của các ca lây nhiễm tập thể theo cụm trên khắp đất nước và điều này khiến cuộc chiến chống COVID-19 gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh mùa Đông đang đến gần. Số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 6/11 cho thấy đã có thêm 145 ca mắc mới COVID-19, bao gồm 117 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm của Hàn Quốc lên 27.195 ca.
Chính phủ Nhật Bản cũng cảnh báo các dấu hiệu tái bùng phát dịch COVID-19 trong bối cảnh có thêm nhiều ca nhiễm mới được phát hiện ở khu vực phía Bắc nước này. Trong 24 giờ qua, Nhật Bản đã phát hiện thêm 1.050 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca nhiễm ở nước này lên 105.8 ca, trong đó 1.821 ca tử vong. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 21/8 vừa qua số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tại quốc gia Đông Bắc Á này vượt ngưỡng 1.000 ca.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chuyên gia dịch tễ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Maria Van Kerkhove cảnh báo các nước có thể bỏ sót các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nếu giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày.