Tuyên bố của Hiệp hội nêu rõ: "Chúng tôi phản đối việc tổ chức Olympic Tokyo tại thời điểm khi mà người dân trên khắp thế giới đang phải chống chọi với virus SARS-CoV-2". Tuyên bố nêu rõ không thể tổ chức kỳ đại hội thể thao olympic an toàn và đảm bảo trong thời kỳ dịch bệnh và không thể loại trừ mối nguy hiểm nhiều loại biến thể của SARS-CoV-2 từ khắp nơi trên thế giới sẽ "đến" Nhật Bản.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang ứng phó với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 tại nước này. Nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Tokyo được đặt trong tình trạng khẩn cấp.
Số ca nhiễm mới tăng đã gia tăng áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế của nước này. Các chuyên gia y tế nhiều lần cũng đã cảnh báo về tình trạng thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế trong khi lực lượng y bác sĩ đang dần cạn kiệt sức lực ứng phó với dịch bệnh.
Trong vài ngày gần đây, người đứng đầu một số tỉnh cho biết họ sẽ không cấp giường bệnh cho các vận động viên trong trường hợp họ phải nhập viện điều trị.
Tại thời điểm chỉ còn hơn 10 tuần trước khi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới nói trên khai mạc, dư luận Nhật Bản vẫn có nhiều ý kiến phản đối tổ chức sự kiện, bên cạnh các ý kiến hoãn hoặc hủy sự thể thao này. Tuy nhiên, Ban tổ chức khẳng định họ có thể tổ chức các sự kiện thể thao nói trên một cách an toàn nhờ các biện pháp ứng phó và các cuộc diễn tập gần đây về đảm vảo an toàn cho các vận động viên nước ngoài.
Theo kế hoạch, Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8, sau đó là Paralympic từ ngày 24/8 đến ngày 5/9. Các nhà tổ chức Olympic Tokyo thông báo đã nhất trí với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đơn giản hóa khâu tổ chức nhằm đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ dịch COVID-19 lây lan, cũng như giảm bớt tác động tài chính khi sự kiện thể thao lớn nhất thế giới này phải hoãn lại một năm và không có khán giả nước ngoài được phép vào các địa điểm thi đấu để theo dõi các cuộc tranh tài .