Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, với số lượng người bị nhiễm và tử vong, dịch Ebola lần này tại CHDC Congo là đợt dịch lớn thứ 2 kể từ khi dịch bệnh này được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1976 tại Sudan và CHDC Congo. Bộ Y tế CHDC Congo cũng cho biết 245 người đã phục hồi sau khi nhiễm loại virus nguy hiểm này.
Đợt dịch Ebola lần này bắt đầu tại các tỉnh Bắc Kivu and Ituri phía Đông Bắc CHDC Congo. Đây là những khu vực thường xuyên xảy ra các cuộc xung đột vũ trang khiến tình hình càng trở nên khó kiểm soát. Tuần trước, Bộ Y tế CHDC Congo cho biết dịch Ebola đang có chiều hướng lan đến thành phố Goma, thủ phủ tỉnh Bắc Kivu với nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch nối với thành phố Gisenyi của nước láng giềng Rwanda. Đây sẽ là diễn biến xấu nhất có thể dẫn đến hậu quả tồi tệ hơn do đợt dịch này gây ra.
Kể từ khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu từ tháng 8/2018 đến nay tại CHDC Congo, tổng cộng 63.061 người được tiêm vắcxin phòng ngừa Ebola. Tuy nhiên, với những bất ổn chính trị và khó khăn kinh tế, số lượng người được tiêm chủng dường như không đáng kể so với tình hình thực tế và theo Chủ tịch Hội đồng về tị nạn của Na Uy Jan Egeland đợt dịch Ebola lần này được coi là “cuộc khủng hoảng bị phớt lờ nhất thế giới”.
Kể từ khi được phát hiện vào năm 1976, dịch Ebola gây hậu quả lớn nhất vào năm 2014 khi bùng phát Tây Phi, cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người và lây nhiễm khoảng 28.600 người khi dịch bệnh quét qua Liberia, Guinea và Sierra Leone.