Giám đốc điều hành các hoạt động của ICRC tại thủ đô Sanaa, ông Dominik Stillhart, nhấn mạnh Yemen đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bệnh tả nghiêm trọng.
Ông Stillhart cũng cho biết thêm, các bệnh viện tại Yemen vẫn đang hoạt động bất chấp chiến tranh, đã bị quá tải bởi một số lượng lớn các bệnh nhân với các triệu chứng của bệnh tả, do ăn uống nước hoặc thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Trong năm 2016, Yemen từng ghi nhận sự bùng phát của dịch tả. Điều kiện vệ sinh tại quốc gia này đã xấu đi đáng kể do bị chiến tranh tàn phá.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện xếp Yemen vào danh sách các quốc gia có tình trạng khẩn cấp về nhân đạo tồi tệ nhất, bên cạnh Syria, Nam Sudan, Nigeria và Iraq.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi hai lực lượng đối lập - phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh - chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ của nước này, trong đó có thủ đô Sanaa.
Theo WHO, chiến tranh và xung đột kéo dài tại đây đã khiến hơn 8.000 người thiệt mạng và hơn 44.500 người bị thương kể từ tháng 3/2015. Ngoài ra, khoảng 19 triệu người, tương đương với 60% dân số, phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực.