Số ca hồi phục là hơn 6.067.702 người trong khi số bệnh nhân đang được điều trị là hơn 4.262.566 người với khoảng 1% trong số này là các ca bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Tình hình dịch bệnh tại Mỹ, quốc gia chịu tác động mạnh nhất, vẫn diễn biến khó lường khi đến nay đã ghi nhận 2.782.321 ca nhiễm và 130.850 ca tử vong. Số liệu tổng hợp theo ngày được Đại học Johns Hopkins cập nhật sáng 2/7 (theo giờ Việt Nam) cho thấy Mỹ ghi nhận thêm 52.898 ca nhiễm mới. Dịch bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh tại các khu vực miền Nam nước Mỹ, trong đó các điểm nóng là các bang Texas, Floria và Arizona với hơn 40.000 ca mới được ghi nhận. Nhiều địa phương đã phải tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh như cấm các hoạt động trong nhà tại các nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng hoặc tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại các nhà hàng dự kiến được thực hiện vào tuần tới.
Tại Nam Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, với Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới và ghi nhận số ca nhiễm liên tục tăng. Hiện Brazil đã ghi nhận tổng cộng 1.456.969 ca nhiễm và 60.813 ca tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị quốc gia này cần nỗ lực thực thi các biện pháp đồng bộ từ cấp liên bang đến các cấp nhỏ hơn, cũng như tập trung tiếp cận toàn diện để ngăn chặn dịch bệnh.
Tình hình dịch bệnh có phần chuyển biến tích cực tại châu Âu, tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp tục thực hiện những kế hoạch mở cửa trở lại. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ nới lỏng các biện pháp cách ly đối với các du khách đi bằng đường hàng không. Ngoài ra, vào ngày 3/7, Chính phủ Anh cũng sẽ bãi bỏ yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người đến từ các quốc gia mà London nhận thấy có nguy cơ dịch bệnh COVID-19 là rất thấp. Trong khi đó, từ ngày 1/7, Bỉ bắt đầu bước vào giai đoạn 4 của quá trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa được áp đặt trước đó, qua đó cho phép các rạp chiếu phim mở cửa trở lại và các sự kiện văn hóa được diễn ra với điều kiện phải tuân thủ các quy định về y tế và an toàn dịch tễ.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các quán cà phê Internet và quán game trên cả nước đã được mở cửa trở lại từ ngày 1/7 đi kèm hàng loạt biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế nước này. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ngày 1/7, sân bay Istanbul lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa vào hoạt động trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho hành khách quốc tế.
Ở châu Phi và Trung Đông, các điểm nóng dịch bệnh trong khu vực vẫn ghi nhận số ca nhiễm và tử vong tiếp tục tăng. Nam Phi tiếp tục là nước có nhiều ca mắc nhất ở châu Phi khi ghi nhận thêm 8.214 ca nhiễm - mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca mắc lên 159.333 ca, trong đó có 2.749 ca tử vong. Trong khi đó, Kenya cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất, với 307 ca, đưa tổng số lên 6.673 ca. Tại Israel, giới chức y tế nước này ngày 1/7 xác nhận trong 24 giờ qua danh sách bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã thêm 1.013 người - mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Như vậy Israel hiện đã có 26.021 trường hợp mắc COVID-19. Ai Cập trong cùng ngày cũng xác nhận thêm 1.503 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên 69.814 người, trong đó 3.034 bệnh nhân đã tử vong.
Ở châu Á, Ấn Độ ngày 2/7 cho biết số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 604.641 ca, trong khi số ca tử vong cũng lên tới 17.834 ca. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 19.148 ca nhiễm mới và 434 ca tử vong. Trước đó một ngày, Ấn Độ đã bước vào giai đoạn nới lỏng phong tỏa thứ hai, tiếp tục áp đặt hạn chế tại các khu vực có trường hợp lây nhiễm COVID-19.
Còn tại Indonesia, Bộ Y tế nước này thông báo ghi nhận thêm 1.264 ca mắc. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu tháng 3. Tính đến nay, số ca nhiễm ở Indonesia là 59.394 ca, trong đó có 2.987 ca tử vong. Trong khi đó, tổng số ca mắc ở Australia đã lên tới 8.001 ca, với 86 ca mới được xác định trong 24 giờ qua.
Trong ngày 2/7, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận thêm hơn 100 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại thành phố này lên hơn 6.392 trường hợp. Đây là ngày đầu tiên Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới trên 100, nhưng là ngày thứ 7 liên tiếp có trên 50 ca nhiễm mới kể từ khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại nước này ngày 25/5 vừa qua.