Điểm danh các quốc gia cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly COVID-19

Nhiều quốc gia đã cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly đối với những trường hợp dương tính hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong nỗ lực hạn chế những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Điểm xét nghiệm COVID-19 ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters (Anh), hôm 29/12, Tây Ban Nha cho biết nước này quyết định giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày đối với những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Italy cũng đang có kế hoạch nới lỏng các quy định cách ly đối với những người tiếp xúc gần với những người mắc bệnh COVID-19. Theo đó, những người này sẽ không phải cách ly nếu đã tiêm chủng đầy đủ hoặc khỏi bệnh trong vòng 120 ngày. Họ sẽ được yêu cầu đeo một loại khẩu trang đặc biệt trong 10 ngày và thực hiện xét nghiệm trong 5 ngày kể từ khi tiếp xúc nếu có triệu chứng.

Đầu tuần này, cơ quan y tế Mỹ cũng đã công bố hướng dẫn mới rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19 từ 10 ngày xuống còn 5 ngày nếu họ không có triệu chứng. CDC dẫn bằng chứng rằng mọi người dễ lây nhiễm nhất trong khoảng 2 ngày trước khi phát triển các triệu chứng và 3 ngày sau đó.

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng cho biết: “Chúng tôi không thể buộc mọi người rời khỏi các hoạt động kinh tế chỉ vì họ tình cờ đến một địa điểm nào đó”. Australia cũng đang có kế hoạch thay đổi quy định về việc xét nghiệm để giảm bớt áp lực cho các cơ sở y tế. Ông Morrison nói rằng Australia cần thay đổi để quản lý các phòng xét nghiệm quá tải và đưa mọi người thoát khỏi sự cô lập.

Những động thái trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới - trong đó có Anh, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Cyprus và Malta - đã ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục trong những ngày gần đây. Theo dữ liệu của Reuters hôm 29/12, số ca mắc trung bình hàng ngày ở Mỹ đã đạt mức kỷ lục 258.312 ca trong 7 ngày. Mức cao nhất trước đó là 250.141 ca được ghi nhận vào tháng 1 năm ngoái.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cũng cho biết nước này đang chứng kiến ​​sự gia tăng chóng mặt về số ca mắc mới, với 208.000 trường hợp được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua, xô đô mọi kỷ lục trước đó của quốc gia này và cả châu Âu.

Chú thích ảnh
Bên ngoài trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Manchester, Anh. Ảnh: Reuters

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo “cơn sóng thần” các ca mắc COVID-19 mới đang ập đến khi cả biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2 cùng lây lan nhanh chóng.

Mặc dù các nghiên cứu cho thấy Omicron có nguy cơ tử vong thấp hơn so với một số biến thể trước đó, nhưng tốc độ lây lan nhanh chóng của nó có thể dẫn đến số ca mắc cao kỷ lục và khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, các doanh nghiệp phải vật lộn để duy trì hoạt động vì nhiều nhân viên bị cách ly.

Trong khi Mỹ, Tây Ban Nha và Italy đã nới lỏng một số quy định cách ly, Trung Quốc vẫn kiên quyết duy trì chính sách không khoan nhượng với COVID-19. Thành phố Tây An 13 triệu dân, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, đã bước vào ngày phong toả thứ 7 nghiêm ngặt, sau khi phát hiện hàng trăm ca nhiễm virus.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/12 khuyến nghị chính phủ các nước không nên giảm các hạn chế phòng dịch COVID-19, trong đó có việc giảm thời gian cách ly, mặc dù các phát hiện ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể khiến bệnh tình người mắc ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh các nước cần "cẩn trọng" trong việc giảm các biện pháp hạn chế phòng dịch, đồng thời cho rằng ở thời điểm hiện tại, không nên có thay đổi lớn trong chiến thuật và chiến lược phòng dịch chỉ dựa trên cơ sở các nghiên cứu ban đầu và sơ bộ về Omicron. Tiến sĩ Ryan chỉ ra rằng ngay cả với những biến thể trước, hầu hết bệnh nhân sẽ ủ bệnh và xuất hiện các triệu chứng hoặc cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 6 ngày đầu. Như vậy, chỉ sau khoảng thời gian này, khả năng dương tính hoặc truyền bệnh mới thấp hơn. Do đó, việc giảm thời gian cách ly với những người mắc COVID-19 là “sự đánh đổi” giữa việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh với duy trì các hoạt động của nền kinh tế.

Hải Vân/Báo Tin tức
Người đàn ông Ấn Độ trèo lên cây để trốn tiêm vaccine COVID-19
Người đàn ông Ấn Độ trèo lên cây để trốn tiêm vaccine COVID-19

Mới đây, một người đàn ông sống tại vùng Puducherry (Ấn Độ) đã trèo lên cây để trốn tiêm vaccine COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN