Thảm kịch COVID-19 ở Ấn Độ
Theo kênh CNN, hồi tháng 2, dường như Ấn Độ đã kiểm soát được dịch bệnh khi số ca mắc hàng ngày giảm gần 90% so với đỉnh dịch làn sóng thứ nhất năm 2020. Giờ đây, Ấn Độ lại đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 dữ dội nhất thế giới. Số ca mắc hàng ngày liên tục tăng trong 10 ngày qua. Ngày 27/4, Ấn Độ ghi nhận tới 362.902 ca mắc và 3.285 ca tử vong, cao nhất từ trước tới nay. Tính tới 28/4, Ấn Độ đã ghi nhận gần 18 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát năm ngoái. Làn sóng dịch bệnh thứ hai mà Ấn Độ đang trải qua nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng đầu tiên năm 2020.
Những con số báo động nói trên cho thấy nhiều người Ấn Độ đang trải qua bi kịch đau lòng vì dịch bệnh. Nhiều gia đình và bệnh nhân phải tìm mọi cách để có bình dưỡng khí bên ngoài các bệnh viện quá tải. Nhiều trường hợp chết trước cửa bệnh viện trong khi chờ cấp cứu. Bệnh viện không còn giường trống, thiếu thốn trang thiết bị, thuốc men chữa bệnh, đặc biệt là ôxy y tế. Tại các nghĩa trang thành phố như New Delhi, xe cấp cứu nối đuôi nhau xếp hàng chờ đưa thi thể đi hỏa táng. Nhiều khu vực chôn cất trong các thành phố đang quá tải, những giàn hỏa táng rực lửa cả ngày lẫn đêm.
Ngày 26/4, Tiến sĩ Giridhara R. Babu thuộc Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ cảnh báo đây chưa phải là đỉnh dịch. Ông nói: “Theo dữ liệu mà chúng ta thấy, chúng ta còn cách đỉnh dịch ít nhất 2 hoặc 3 tuần nữa”.
Một số người cho rằng Ấn Độ có thể đang tiến gần đỉnh dịch, sớm hơn dự báo của ông Babu, nhưng khi có quá nhiều người mắc bệnh và quá ít trang thiết bị chữa bệnh, Ấn Độ có thể có thêm nhiều ca tử vong trước khi làn sóng thứ hai dịu xuống.
Số ca mắc bắt đầu tăng từ đầu tháng 3 nhưng tăng rất nhanh. Tổng số ca mắc vào cuối tháng 3 đã cao gấp 6 lần so với đầu tháng. Các chuyên gia nhận định làn sóng dịch bệnh thứ hai mạnh hơn rất nhiều vì người Ấn Độ chưa chuẩn bị tinh thần. Họ chủ quan khi tuyên bố kết thúc đại dịch quá sớm, nới lỏng các biện pháp phòng dịch quá sớm. Biến thể mới dễ lây lan hơn cũng khiến cho làn sóng dịch ở Ấn Độ thêm trầm trọng.
Các chuyên gia cho rằng con số 18 triệu ca mắc chưa phản ánh đúng thực tế. Số ca mắc có thể cao hơn tới 30 lần, tương đương nửa tỷ ca. Do cơ sở hạ tầng kém, lỗi con người và tốc độ xét nghiệm chậm mà các nhà khoa học và nhân viên y tế Ấn Độ cho rằng con số ca mắc và tử vong thực thấp hơn nhiều so với thực tế.
Mô hình dự báo của Đại học Washington (Mỹ) cho rằng số ca tử vong hàng ngày ở Ấn Độ sẽ còn tiếp tục tăng cho tới tận giữa tháng 5.
Diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng đã khiến chính quyền các bang ở Ấn Độ phải tăng cường siết chặt các biện pháp phòng chống. Bang Karnataka áp đặt giờ giới nghiệm từ 21 giờ trong hai tuần từ 27/4. Bang Punjab cũng áp dụng biện pháp tương tự từ ngày 26/4, trong đó có giới nghiêm ban đêm và phong tỏa vào cuối tuần.
Để giải quyết tình trạng thiếu ôxy trầm trọng, chính phủ Ấn Độ đã tăng cường nỗ lực cung cấp cho các bệnh viện, huy động các đoàn tàu cao tốc đặc biệt chở ôxy, máy bay của không quân, xe tải để chở bình ôxy. Tại cuộc họp do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì, chính phủ Ấn Độ quyết định miễn thuế quan nhập khẩu đối với vaccine COVID-19, ôxy và các thiết bị liên quan.
Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng nỗ lực hỗ trợ Ấn Độ. Chính phủ Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Pakistan đã gửi viện trợ và trang thiết bị y tế cần thiết như máy thở, ôxy. Nói về việc hỗ trợ Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominis Raab nói: “Không ai an toàn cho tới khi tất cả chúng ta đều an toàn”.
Đông Nam Á trong làn sóng dịch bệnh mới
Theo tờ Diplomat, không chỉ Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á cũng căng thẳng vì tình hình dịch bệnh khó lường. Nhiều quốc gia cũng ghi nhận những kỷ lục mới đáng buồn trong tuần qua, kể cả những nước hầu như không bị dịch bệnh tác động trong phần lớn năm 2020.
Ngày 26/4, Philippines đã vượt qua ngưỡng 1 triệu ca bệnh, là quốc gia thứ 26 vượt qua mốc đáng buồn này. Số ca mắc đã tăng mạnh trong tháng 3, khiến chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte phải áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ hai với khu vực thủ đô Manila. Dù phong tỏa nhưng đợt bùng phát dịch này chưa có dấu hiệu giảm tốc. Tới ngày 28/4, Philippines có 1.013.618 ca mắc, trong đó 16.916 ca tử vong.
Cả hai con số trên đều ở mức cao thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia – quốc gia tiếp tục ghi nhận trung bình 5.000 ca mắc/ngày. Malaysia cũng chứng kiến số ca mắc gia tăng, trở thành nước có tổng số ca mắc COVID-19 cao thứ ba Đông Nam Á.
Đáng lo ngại là đợt bùng phát dịch bệnh đã lan sang cả những quốc gia trước đây kiềm chế dịch bệnh khá tốt. Ngày 27/4, Thái Lan ghi nhận kỷ lục 2.179 ca mắc và 15 ca tử vong. Đây là ngày thứ 5 liên tục Thái Lan có trên 2.000 ca mắc mới hàng ngày. Dịch bùng phát đã buộc chính phủ Thái Lan mạnh tay áp đặt các biện pháp phạt những ai vi phạm quy định phòng chống dịch trên 48 tỉnh. Bản thân Thủ tướng Thái Lan cũng bị phạt vì không đeo khẩu trang.
Đợt bùng phát ở Thái Lan được cho là góp phần khiến nhiều ca mắc gia tăng ở nước láng giềng là Lào – quốc gia đang trải qua đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng nhất sau khi chỉ có vài ca mắc trong năm 2020. Ngày 26/4, Lào chứng kiến số ca mắc tăng cao nhất từ đầu đại dịch: 113 ca. Tới nay, tổng số ca mắc trên toàn quốc là 511. Đợt bùng phát này dù không là gì so với nhiều quốc gia nhưng đã khiến chính phủ Lào phải áp đặt phong tỏa hai tuần thủ đô Viêng Chăn, đóng cửa mọi quán bar, phòng tập, tụ điểm giải trí và cấm đi lại liên tỉnh.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Campuchia, quốc gia trải qua năm 2020 với số ca bệnh ít ỏi. Ngày 27/4, Campuchia có 508 ca mắc mói, nâng tổng số ca mắc lên 11.063 ca, trong đó có 79 ca tử vong. Số ca mắc tăng đột ngột khiến chính phủ Campuchia đã phong tỏa nghiêm ngặt thủ đô Phnom Penh, thành phố Takhmau và thành phố Sihanoukville. Một số khu vực đã bị coi là “vùng đỏ” mà ở đó, người dân không được rời nhà trừ vì lý do y tế. Chợ ở thủ đô cũng bị đóng cửa tới ngày 7/5.
Tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay cộng với chương trình tiêm chủng chậm chạp khiến trong năm 2021, Đông Nam Á sẽ có thêm nhiều nạn nhân COVID-19 hơn rất nhiều so với năm 2020.
Theo trang thống kê worldometers.info, xét theo khu vực, châu Á (gần triệu ca mắc) chỉ đang đứng sau châu Âu (44 triệu ca mắc) và Bắc Mỹ (,1 triệu ca mắc) về tổng số ca mắc COVID-19. Với diễn biến hiện nay, châu Á sẽ sớm vượt Bắc Mỹ và có thể vượt cả châu Âu về tổng số ca mắc, trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất trong dịch COVID-19.