Theo trang Al Jazeera, các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện nay bắt nguồn từ chủng virus tương đối mới, được xếp vào nhánh 1, đã lây lan ở các quốc gia châu Phi từ năm 2022.
Đầu năm nay, có thông tin cho rằng Cộng hòa Dân chủ Congo đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh lớn nhất từng được ghi nhận. Tính đến tháng 6, quốc gia này đã ghi nhận hàng chục nghìn người nhiễm virus. Chính phủ Congo đã tuyên bố đậu mùa khỉ đã trở thành đại dịch vào tháng 12/2022.
Tuần trước, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi cho biết đậu mùa khỉ hiện đã được phát hiện ở ít nhất 13 quốc gia tại châu lục này. So với cùng kỳ năm ngoái, cơ quan này cho biết các trường hợp tăng 160% và số ca tử vong tăng 19%.
Chủng virus đậu mùa khỉ đã lây lan sang những quốc gia nào?
Hôm 16/8, Bộ Y tế Quốc gia Pakistan đã xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus đậu mùa khỉ, người này đến từ Saudi Arabia.
Giới chức y tế cho biết quá trình giải trình tự đang được tiến hành để xác định chủng virus chính xác mà người bệnh bị nhiễm.
Trước đó một ngày, các quan chức y tế Thụy Điển cũng báo cáo ca đầu tiên nhiễm đậu mùa khỉ ở quốc gia này. Giới chức xác nhận rằng đó là chủng nhánh 1 và cho biết người này đã nhiễm virus từ châu Phi và đang được điều trị.
Theo giới chuyên gia, chủng virus nhánh 1 có xu hướng gây ra nhiều ca nhiễm nghiêm trọng hơn và có vẻ dễ lây lan hơn qua tiếp xúc gần thông thường, bao gồm cả quan hệ tình dục.
Ngày 16/8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Âu đã nâng mức cảnh báo rủi ro từ “thấp” lên “trung bình” và yêu cầu các quốc gia duy trì mức độ nhận thức cao đối với du khách đến từ các khu vực bị ảnh hưởng.
Chủng virus mới tấn công cơ thể con người như thế nào?
Đậu mùa khỉ chủ yếu lây nhiễm cho con người và động vật. Virus đậu mùa khỉ thuộc cùng họ virus với bệnh đậu mùa, nhưng gây ra các triệu chứng nhẹ hơn - chẳng hạn sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể. Tuy nhiên, virus có thể gây bệnh nặng và thậm chí tử vong trong một số trường hợp.
Virus xâm nhập vào cơ thể người qua da bị trầy xước hoặc qua đường hô hấp. Sau đó, nó lây lan qua máu khiến người bệnh có các triệu chứng giống cúm và phát triển các tổn thương trên da.
Theo ông Michael Marks tại Viện Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, các nhà khoa học “không nghĩ rằng đậu mùa khỉ có tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch”.
“Ngoài thực tế là tất cả các ca bệnh rõ ràng đều có phản ứng tạm thời trong hệ miễn dịch, song chúng tôi không tin rằng loại virus đậu mùa khỉ có tác động lâu dài đến hệ miễn dịch”, ông nói.
Tiến sĩ Ngashi Ngongo, Giám đốc nhân sự tại CDC châu Phi, cũng cho rằng loại virus này chỉ gây ra các triệu chứng kéo dài trong khoảng 2 đến 4 tuần.
Cách thức lây lan của virus
Virus đậu mùa khỉ lây lan qua tiếp xúc gần với người hoặc động vật nhiễm bệnh. Đối với các ca nhiễm từ người sang người, virus có thể lây truyền qua tiếp xúc với các tổn thương trên da, tiếp xúc da kề da, nói chuyện hoặc thở quá gần với người mắc bệnh.
Virus cũng có thể lây lan qua các vật thể bị ô nhiễm như bề mặt, khăn trải giường, quần áo và khăn tắm, vì virus xâm nhập vào cơ thể qua da bị trầy xước, đường hô hấp hoặc mắt, mũi và miệng.
Ông Marks nói rằng hình thức lây nhiễm nghiêm trọng nhất là qua tiếp xúc da kề da vì virus vẫn có thể phát hiện được trên các tổn thương da trong khoảng 3 tuần, thay vì qua hệ hô hấp vì ở hầu hết mọi người, virus sẽ bị loại bỏ khỏi cổ họng sau 7 đến 10 ngày.
Đối với lây truyền từ người sang động vật, virus thường xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, vết xước hoặc tiếp xúc với vết thương trên động vật mắc bệnh.
Các triệu chứng khi nhiễm virus đậu mùa khỉ mới
Khi nhiễm virus bệnh đậu mùa khỉ, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng giống như cúm và các tổn thương chứa đầy mủ. Bệnh thường nhẹ nhưng cũng có thể nghiêm trọng đến mức gây tử vong.
Ông Marks giải thích rằng hầu hết mọi người đều mắc bệnh tương đối nhẹ với các triệu chứng như sốt, đau nhức cơ và phát ban với 5 năm đến 25 tổn thương.
“Một số người trở yếu đi nhiều và họ có thể phát triển thành bệnh nghiêm trọng hơn với hàng trăm tổn thương trên khắp cơ thể”, ông nói.
Trong khi căn bệnh này biểu hiện các triệu chứng nhẹ ở hầu hết mọi người, một số người có nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng.
“Chẳng hạn, những người bị HIV chưa được điều trị (bệnh lây truyền qua đường tình dục) hoặc hệ miễn dịch yếu vẫn có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn. Trẻ em cũng có vẻ có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng cao hơn”, ông Marks cho hay.
Ông giải thích rằng trẻ em có khả năng bị ảnh hưởng bởi đậu mùa khỉ nhiều hơn người lớn vì một số lý do.
“Phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra ở những khu vực đông dân cư có nhiều trẻ em. Trẻ em thường chạy xung quanh và hay tiếp xúc da kề da trực tiếp với người khác hơn, do đó khiến virus lây lan dễ dàng hơn. Trong khi người lớn ít tiếp xúc trực tiếp với người khác hơn”, ông nói.
Chuyên gia Ngongo nói thêm rằng trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì “cơ chế phòng vệ của chúng” - hệ miễn dịch - vẫn đang phát triển.
Phương pháp điều trị
Theo ông Marks, hiện chưa có phương pháp điều trị cho bệnh đậu mùa khỉ nhưng một số loại thuốc kháng virus đang được thử nghiệm.
“Vaccine có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh. Do đó, cần phải ưu tiên cung cấp đủ vaccine cho những nhóm dân số có nguy cơ mắc bệnh cao nhất ở Cộng hoà Congo và các quốc gia lân cận”, ông nhấn mạnh.
Ông giải thích rằng nếu chúng ta có thể tiêm vaccine cho những người có nguy cơ, họ sẽ được bảo vệ trước virus và điều này sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh.
Song ông Ngongo giải thích rằng loại vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ được nhiều nước phương Tây sử dụng trong đợt bùng phát năm 2022 hiện vẫn chưa được phân phối cho các quốc gia nghèo hơn ở châu Phi.
“Châu Phi không có vaccine. Số vaccine còn lại đều được dự trữ ở phương Tây như một phần trong công tác chuẩn bị ứng phó với tình trạng khẩn cấp của họ. Nhưng chúng ta đang chứng kiến tình trạng khẩn cấp đang diễn ra ở châu Phi”, ông nói.
Ông Ngongo giải thích thông qua các khoản quyên góp, CDC châu Phi đã xoay xở để có được 280.000 liều vaccine. Tuy nhiên, để vaccine có hiệu quả, mỗi người phải tiêm hai mũi, và số lượng vaccine đó chỉ đủ cho 140.000 người.
Ông Ngongo khuyên mọi người “quay lại thực hiện những phương thức vệ sinh cá nhân cơ bản” và nhớ rửa tay, tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh. Ông cho biết cần đến bệnh viện nếu có triệu chứng bệnh để có thể ngăn chặn bệnh nghiêm trọng.
Nguy cơ virus đậu mùa khỉ lây lan xa hơn
Các nhà khoa học tin rằng nếu các đợt bùng phát mới liên quan đến Congo được xác định nhanh chóng, thì nguy cơ lây truyền có thể được ngăn chặn tương đối nhanh chóng.
Ông Marks cho biết rủi ro lớn hiện tập trung ở miền trung châu Phi, nơi dịch bệnh đang bùng phát và lây lan.
“Có khả năng một số ít trường hợp mắc bệnh xa hơn, như trường hợp ở Thụy Điển, nhưng rủi ro lớn và trọng tâm hành động cần phải tập trung vào miền trung châu Phi”, ông nói.
Ông Ngongo cũng kêu gọi mọi người rút ra bài học kinh nghiệm từ đại dịch COVID-19 và “hành động ngay lúc này”.