Trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Rossiyskaya Gazeta hôm 24/3, Trung tướng Alexander Dvornikov – người chỉ huy chiến dịch quân sự Nga ở Syria, lần đầu tiên lên tiếng thừa nhận, đặc nhiệm Nga đã và vẫn sẽ hiện diện ở Syria để thực thi những nhiệm vụ đặt ra. Đó là do thám, chỉ thị mục tiêu cho các máy bay ném bắn ở những khu vực xa xôi và tiến hành những nhiệm vụ đặc biệt. Tuy nhiên, họ không thực hiện các nhiệm vụ tham chiến trực tiếp, nó cho thấy một thực tế ngay từ đầu Moskva không muốn lún quá sâu vào cuộc chiến đẫm máu này.
Truyền thông phương Tây tin rằng, đặc nhiệm Nga đã tới Syria trước khi Điện Kremlin mở chiến dịch can dự quân sự (9/2015). Tại thời điểm “tiền can dự” này, nhiệm vụ của họ chủ yếu là huấn luyện cho quân đội Syria, bảo vệ Đại sứ quán cùng nhiều cơ sở khác của Nga ở nước này. Cụ thể, đặc nhiệm Zaslon (thuộc Cơ quan tình báo đối ngoại Nga) chuyên thực hiện những nhiệm vụ tuyệt mật ở nước ngoài đã được điều tới để tăng cường bảo đảm an ninh cho các cơ quan đại diện ngoại giao của Nga.
Đặc nhiệm Spetsnaz thiện chiến của quân đội Nga. Ảnh: Sputnik |
Khi Nga quyết định điều lực lượng cùng vũ khí trang bị tới Syria, các đội đặc nhiệm Spetsnaz thuộc Tổng cục Tình báo – Bộ Tổng tham mưu Nga (GRU) lập tức được điều động, lên đường thực hiện sứ mệnh bảo vệ an toàn cho lực lượng Nga đóng tại căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia và quân cảng Tartus, do thám mục tiêu để “chỉ điểm” cho máy bay chiến đấu không kích. Số lượng lính đặc nhiệm tăng dần theo cường độ can dự. Tại thời điểm đỉnh cao, ước tính Nga duy trì khoảng 230-250 lính, tương đương với quy mô một tiểu đoàn. Lúc này, ngoài Zaslon và Spetsnaz, các đội đặc nhiệm thuộc Hải quân và Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt (KSO – mới được thành lập) cũng trực tiếp tham gia.
Trên chiến trường, đặc nhiệm Nga chỉ can dự vào 2-3 mảng nhiệm vụ. Quan trọng nhất là do thám thực địa, chỉ thị mục tiêu cho máy bay, pháo binh thực hiện các đòn oanh kích, pháo kích diệt khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Kế đến là tiến hành các nhiệm vụ an ninh đặc biệt. Lính KSO chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho nhân viên, chuyên gia quân sự Nga trong một môi trường tiềm ẩn mối đe dọa tấn công khủng bố lẫn tấn công quy ước.
Các đội Spetsnaz cũng có thể đã nằm ở Damascus như là một lực lượng phản ứng nhanh đề phòng trường hợp chế độ Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ. Đó không phải là điều gì đó quá mới mẻ, bất ngờ, bởi chính đặc nhiệm Nga đã từng thực thi chiến dịch “xóa dấu vết” ở Iraq khi ông Saddam Hussein bị hạ bệ: Hủy mọi tài liệu, bằng chứng mà Moskva không muốn rơi vào tay người Mỹ, gây bất lợi cho Nga.
Nói về vai trò của đặc nhiệm Nga ở Syria, một quan chức Nga tiết lộ đây là một dạng chiến tranh mà các đơn vị đặc nhiệm đã được huấn luyện trong hơn 30 năm qua, ám chỉ những kinh nghiệm xương máu sau của Liên Xô trong việc điều động binh lực quy mô lớn và bị sa lầy ở Afghanistan. Nhân vật này nói thêm nếu thực sự muốn can dự trực tiếp ở Syria, Nga sẽ sử dụng đặc nhiệm trên chiến trường (là chính).
Hiện vẫn còn một số lượng lính trinh sát đặc nhiệm có mặt trên chiến trường và báo chí Nga thì nói rằng có khoảng 60 đặc nhiệm GRU và cố vấn quân sự Nga tại Syria.