Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (55.035 ca), Mỹ (trên 44.000 ca) và Pháp (29.837 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua là Ấn Độ (565 ca), Mỹ (446 ca) và Mexico (355 ca).
Châu Mỹ
Số ca mắc bệnh và nhập viện tăng vọt tại Mỹ
Số ca mắc bệnh và nhập viện vì bệnh COVID-19 đang gia tăng trở lại tại Mỹ. Xu hướng này không có dấu hiệu dừng lại làm dấy lên lo ngại về khả năng là sóng dịch thứ 3 đang diễn ra như các chuyên gia đã cảnh báo trước đó.
Trong tuần vừa qua, theo số liệu của tờ New York Times, Mỹ đã ghi nhận trung bình 54.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày, tăng 25% so với hai tuần trước. Số ca mắc bệnh tăng cao không chỉ do gia tăng số lượng xét nghiệm. Có tới 19 bang, trong đó có Bắc Dakota, Wisconsin, Nebraska, Kansas và Indiana, đang chứng kiến số ca mắc bệnh cao kỷ lục trong khu vực. Ngoài ra, các bang dường như đã kiểm soát được đại dịch trong những tháng gần đây như Florida, New York, New Jersey, Arizona và một số bang khác cũng ghi nhận sự gia tăng trở lại.
Theo cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), ông Scott Gottlieb, những số liệu cho thấy sự gia tăng về số ca nhiễm trong mùa thu trong một thời gian dài, đồng thời cảnh báo nước Mỹ sẽ phải chứng kiến số ca mắc cao tương tự như châu Âu hiện nay trong khoảng hai hoặc ba tuần tới. Tuy nhiên, dự đoán tỉ lệ tử vong có thể sẽ “ít hơn đáng kể” so với các đợt bùng phát vào mùa xuân và mùa hè vì các liệu pháp và kỹ thuật được cải thiện đáng kể.
Trước đó, các chuyên gia nhìn chung đều cho rằng Mỹ đã phải trải qua 2 làn sóng dịch, với lần đầu tiên diễn ra ở khu vực Đông Bắc vào mùa Xuân và khu vực miền Nam trong mùa Hè với mức cao nhất khoảng 73.000 ca mỗi ngày vào tháng 7 - mức cao nhất cho đến nay được ghi nhận từ khi đại dịch xảy ra. Các ca nhiễm bệnh sau đó giảm dần, tuy nhiên lại bắt đầu tăng cao vào tháng 9 và có khả năng sẽ đạt mức kỷ lục về các trường hợp nhiễm mới trong các tháng tới.
Virus SARS-CoV-2 có thể giống các loại virus gây bệnh đường hô hấp như cúm và cảm lạnh thông thường có xu hướng lây lan dễ dàng hơn ở những vùng khí hậu lạnh hơn và khô hơn. Trong một cuộc hội thảo, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci khẳng định khi bước vào những tháng lạnh của mùa Thu và mùa Đông, lây nhiễm cộng đồng sẽ cao hơn vì nhiều hoạt động sẽ được tổ chức ở trong nhà.
Cho tới nay, Mỹ ghi nhận trên 8,3 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó trên 224.000 trường hợp tử vong.
Canada kêu gọi người dân nỗ lực đối phó với đại dịch
Cơ quan y tế công cộng Canada đã ra thông báo kêu gọi người dân tiếp tục nỗ lực chung để ứng phó với đại dịch COVID-19 trong bối cảnh nhiều khu vực trên cả nước bắt đầu triển khai các biện pháp hạn chế mới để kiềm chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Theo bà Theresa Tam, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada, trong 24 giờ qua, tỉnh Ontario có thêm 805 ca mắc COVID-19 mới và 10 trường hợp tử vong. Trong khi đó, Quebec tiếp tục là nơi có số ca nhiễm mới cao nhất nước, với 1.279 ca. Trong bối cảnh trường học và một số doanh nghiệp vẫn mở cửa, tình hình dịch bệnh theo đánh giá của bà Tam là “phức tạp”. Do đó, người dân cần hạn chế tiếp xúc gần trực tiếp và tuân thủ các biện pháp y tế công cộng.
Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Canada đang ở mức 198.148, trong đó có 9.760 trường hợp tử vong. Trong vòng 7 ngày (tính đến 16/10), trung bình mỗi ngày quốc gia Bắc Mỹ này có 2.310 ca nhiễm mới.
Theo kế hoạch, từ ngày 19/10, tỉnh Manitoba sẽ gia tăng các biện pháp hạn chế tại Winnipeg. Trước đó, chính quyền Ontario cũng đã siết lại các quy định ở khu vực York, Bắc Toronto, hạn chế người đến thăm các cơ sở dưỡng lão trong khu vực từ ngày 17/10.
Trong ngày 17/10, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình tại khu vực trung tâm của Toronto, yêu cầu chấm dứt các biện pháp phong tỏa đang được chính quyền áp dụng để kiềm chế dịch bệnh.
Châu Âu
Ireland áp đặt hạn chế trên toàn quốc từ ngày 19/10
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đại học Ireland Simon Harris ngày 18/10 cho biết nước này sẽ áp đặt các biện pháp mang tính "quyết định" nhằm kiểm soát dịch COVID-19 trên toàn quốc vào ngày 19/10, song sẽ không tái triển khai hình thức phong tỏa được áp đặt hồi đầu năm nay.
Phát biểu với đài truyền hình quốc gia RTE, ông Harris khẳng định: "Chính phủ sẽ hành động vào ngày 19/10, hành động đó sẽ mang tính quyết định và đó sẽ là hành động trên toàn quốc... Ngày 19/10, chúng tôi sẽ phải đưa ra nhiều biện pháp hạn chế hơn".
Ông Harris từng giữ chức Bộ trưởng Y tế trong thời gian Ireland áp đặt những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất châu Âu từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5 vừa qua.
Thụy Sĩ siết chặt phòng dịch
Thụy Sĩ đã phải siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 do số ca mắc bệnh tăng mạnh trong thời gian qua. Tại Thụy Sĩ, quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng đã được mở rộng phạm vi áp dụng tới các ga tàu hỏa, sân bay, trạm dừng xe buýt và tàu điện. Ngoài ra, người dân cũng phải đeo khẩu trang tại các cửa hàng, trường học, nhà thờ và rạp chiếu phim.
Chính phủ Thụy Sĩ đồng thời cấm các hoạt động tụ tập ở nơi công cộng có trên 15 người tham gia kể từ ngày 19/10, trong khi các nhà hàng và quán bar cũng phải hạn chế số lượng khách phục vụ.
Người lao động được khuyến khích làm việc tại nhà.
Italy ban hành sắc lệnh mới về phòng chống dịch bệnh COVID-19
Tối 18/10, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ban hành sắc lệnh mới nhằm siết chặt hơn nữa các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Đáng chú ý, sắc lệnh quy định các thị trưởng có quyền ban hành lệnh đóng cửa quảng trường và đường phố ở các khu vực trung tâm đô thị sau 21h nhằm tránh các hoạt động tụ tập đông người. Bên cạnh đó, sắc lệnh cũng ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn như: đình chỉ các cuộc họp, hội nghị; điều chỉnh quy trình hoạt động của các phòng tập thể dục, bể bơi; hạn chế thời gian hoạt động của các quán bar, hạn chế hoạt động của các phương tiện giao thông công cộng; tăng tính linh hoạt trong hoạt động giảng dạy của các trường trung học, đồng thời các trường trung học phổ thông không được phép mở cửa trước 9h sáng.
Trước đó, ngày 12/10, Italy cũng đã ban hành sắc lệnh về phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh số lượng các ca nhiễm mới ở nước này có chiều hướng tăng mạnh, với các quy định như: bắt buộc đeo khẩu trang, cấm tổ chức tiệc riêng tại nhà, đình chỉ các hoạt động trao đổi giáo dục, hạn chế số lượng người tại các rạp chiếu phim, nhà hát, sân vận động.
Sắc lệnh ngày 18/10 được Chính phủ Italy ban hành trong bối cảnh số lượng ca nhiễm mới trong những ngày qua liên tục vượt mức kỷ lục, trung bình hơn 10.000 ca mỗi ngày. Mức kỷ lục mới được ghi nhận trong ngày 18/10 với 11.705 ca nhiễm mới.
Châu Đại Dương
New Zealand ghi nhận trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng
Ngày 18/10, New Zealand đã ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, trong khi giới chức y tế Canada kêu gọi người dân nỗ lực để đối phó với dịch bệnh.
Theo giới chức y tế New Zealand, ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng liên quan đến một công nhân làm việc ở cảng, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 chiều 17/10. Do người này có kết quả xét nghiệm vào ngày xuất hiện triệu chứng, nên những người tiếp xúc gần có thể tự cách ly. Công nhân này có thể đã nhiễm virus vào ngày 14/10.
Thông tin trên xuất hiện chỉ 2 tuần sau khi Thủ tướng nước này Jacinda Ardern tuyên bố quốc gia Nam Thái Bình Dương đã "lại đánh bại được virus (SARS-CoV-2)". Tuy nhiên, theo bà, hiện chưa cần áp đặt các biện pháp hạn chế sau khi ghi nhận ca lây nhiễm mới trong cộng đồng
Tháng 5 vừa qua, New Zealand đã tuyên bố khống chế được các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, 3 tháng sau, quốc gia này ghi nhận ca lây nhiễm mới ở Auckland, buộc nhà chức trách phải phong tỏa thành phố lớn nhất nước trong vài tuần.
Australia: Bang Victoria nới lỏng các hạn chế
Bang Victoria - tâm dịch của Australia - dự định sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 19/10.
Theo Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews, sau hơn 100 ngày phong tỏa nghiêm ngặt, 5 triệu người dân sinh sống ở Melbourne có thể ra ngoài, song chỉ được đi lại trong bán kính 25 km tính từ nhà. Việc tụ tập vẫn bị siết chặt, các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ chỉ được bán mang đi hoặc giao hàng. Dự kiến, các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng sẽ được phép mở lại từ ngày 1/11 tới.
Trong 24 giờ qua, bang Victoria ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19. Đây là ngày thứ năm liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tại bang này ở mức 1 chữ số, thấp hơn nhiều so với mức 700 ca/ngày hồi đầu tháng 8.
Châu Á: Số ca nhiễm mới vẫn tăng nhanh ở nhiều nước
Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn ở mức báo động đáng lo ngại.
Ấn Độ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực và đứng thứ hai trên thế giới, với 55.035 ca mắc mới COVID-19 tính tới 6h ngày 19/10. Tổng số ca bệnh ở quốc gia Nam Á này hiện là trên 7,5 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng 565 ca lên 114.629 ca.
Các nhà khoa học hàng đầu Ấn Độ khẳng định nước này có thể kiểm soát được dịch COVID-19 vào đầu năm 2021 nếu tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch hiện tại. Ủy ban quốc gia về COVID-19 của Ấn Độ do Giáo sư M. Vidyasagar của Viện IIT -Hyderabad dẫn đầu cho rằng Ấn Độ đã đạt đỉnh dịch. Ủy ban này cũng cho biết hiện 30% dân số Ấn Độ được cho là đã phát triển kháng thể chống virus SARS-CoV-2 so với tỷ lệ 14% vào cuối tháng 8. Đó là lý do tại sao số ca nhiễm mới giảm.
Tuy nhiên, ủy ban trên cũng lo ngại việc không tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và sát khuẩn trong mùa lễ hội sắp tới sẽ có thể dẫn tới nguy cơ tăng thêm 2,6 triệu ca dương tính trong vòng một tháng. Theo dự báo, tới tháng 2/2021 - thời điểm dự báo dịch bệnh kết thúc tại Ấn Độ, nước này sẽ có tổng cộng khoảng 10,5 triệu ca mắc COVID-19.
Indonesia cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng mạnh trong 24 giờ qua, với 4.105 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 361.867 ca. Số ca tử vong hiện là 12.511 ca - tăng 80 ca, trong khi số ca bình phục tính đến nay là 285.324 ca.
Tại Philippines, tổng số ca mắc COVID-19 cũng tăng lên 356.618 ca sau khi Bộ Y tế nước này xác nhận thêm 2.379 ca mắc mới. Số ca bình phục cũng tăng mạnh lên 310.158 ca sau khi có thêm 14.941 bệnh nhân được chữa khỏi. Trong khi đó, Philippines cũng có thêm 50 ca không qua khỏi, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 6.652 ca.
Bộ Y tế Philippines cho biết đến nay hơn 4,1 triệu người trong tổng số khoảng 110 triệu dân của nước này đã thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Còn tại Malaysia, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang nóng lên. Ngày 18/10 là ngày thứ 2 liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với 871 ca, đưa tổng số ca mắc lên 20.498 ca.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Noor Hisham Abdullah- một quan chức cấp cao Bộ trưởng Y tế Malaysia, cho biết trong số các ca mắc mới có 5 ca "nhập khẩu", còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 7 ca tử vong do COVID-19, đưa tổng số ca tử vong lên 187.
Trong khi đó, Thái Lan cũng xác nhận thêm 3 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, tất cả đều là người thân của 2 bệnh nhân Myanmar sống ở Thái Lan phát hiện trong tuần vừa qua. Theo Trung tâm Xử lý tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (CCSA) của Thái Lan, tính đến ngày 18/10, nước này có tổng cộng 3.6 ca mắc COVID-19 và số ca tử vong giữ nguyên ở 59 ca.
Tại khu vực Trung Đông, Saudi Arabia đã cho phép người dân tại nước này đến cầu nguyện tại thánh đường Al-Haram ở Mecca, một trong những địa điểm linh thiêng nhất của người Hồi giáo, sau 7 tháng đóng cửa.
Trong khi đó, Israel sẽ yêu cầu du khách đến từ Vương quốc Anh phải tự cách ly trong 14 ngày theo các hướng dẫn mới về phòng dịch bệnh COVID-19 do tỷ lệ lây nhiễm tại Anh đã tăng rất nhanh trong những tuần gần đây.
Cũng trong ngày 18/10, các nhân chứng cho biết Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestines (PLO) Saeb Erekat đã được một xe cứu thương của Israel đưa đi khỏi nhà riêng tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng để điều trị bệnh COVID-19.
Ông Erekat, 65 tuổi, đã được điều trị tại nhà kể từ khi có thông tin tiết lộ hôm 8/10 rằng ông đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Do những vấn đề về hệ hô hấp, ông Erekat đang được chuyển đến một bệnh viện tại Tel Aviv để điều trị. Hiện tình trạng sức khỏe của ông Erekat, người còn đảm nhiệm vị trí Trưởng đoàn đàm phán Palestine, đang gây quan ngại do ông từng trải qua ca cấy ghép phổi tại Mỹ hồi năm 2017.