Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 5.296.9 ca, trong đó có 339.361 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 2.149.571 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 44.692 và 2.807.185 ca đang điều trị tích cực.
Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong 24 giờ qua, bên cạnh Mỹ, các "điểm nóng" dịch mới của thế giới gồm Nga, các nước Mỹ Latinh, Ấn Độ vẫn ghi nhận số ca mắc bệnh mới rất cao.
Mỹ: Tổng thống Trump yêu cầu các bang mở cửa lại nhà thờ
Ngày 22/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các thống đốc cho phép các nhà thờ mở cửa trở lại ngay lập tức. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, điều này là cần thiết đối với cuộc sống của người Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Lời kêu gọi này đi ngược lại những cảnh báo của các chuyên gia y tế công cộng rằng nhà thờ có thể trở thành điểm nóng về nhiễm COVID-19 trong cộng đồng nếu các yêu cầu giãn cách xã hội nghiêm ngặt không được áp dụng.
Cùng ngày, 125 nhà lập pháp của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã ký vào một bức thư chung kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump cung cấp hỗ trợ bổ sung cho các thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia sau khi họ tham gia tuyến đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Đại dịch COVID-19 đã khiến 36,8 triệu người Mỹ thất nghiệp nhưng lại là cơ hội làm giàu cho nhiều tỷ phú Mỹ. Giá trị tài sản của các tỷ phú Mỹ được xác định tăng 15% trong hai tháng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát do giá cổ phiếu công nghệ tăng cao trong thời gian thực hiện lệnh phong toả. Jeff Bezos - ông chủ của Amazon - và Mark Zuckerberg - Giám đốc điều hành Facebook - là hai tỷ phú có khối lượng tài sản tăng nhiều nhất, lần lượt tăng 30% và 45%.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới, với 1.643.929 ca mắc COVID-19 (tăng 23.032 ca trong 24 giờ qua) và 97.603 ca tử vong (tăng 1.249 ca).
Nga xác nhận đã qua đỉnh dịch COVID-19, lo ngại làn sóng thứ hai
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và nhấn mạnh tình hình dịch bệnh ở nước này đã ổn định. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Nga không loại trừ làn sóng dịch COVID-19 thứ hai có thể xảy ra vào mùa Thu năm nay. Ông cho rằng virus SARS-CoV-2 có thể bắt đầu lây lan nhanh và mạnh trong khoảng thời gian tháng 10-11/2020. Tổng thống Putin yêu cầu Bộ Y tế Nga cần sẵn sàng cho tình huống này. Theo ông, bên cạnh việc từng bước dỡ bỏ các hạn chế, chính quyền các cấp cần phải tính tới các khuyến cáo về nguy cơ lây lan virus mà các chuyên gia Nga đã đưa ra.
Cùng ngày 22/5 tại cuộc họp về tình hình vệ sinh - dịch tễ tại Nga, lãnh đạo Cơ quan Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Rospotrebnadzor) Anna Popova khẳng định tình hình lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 ở Nga đã qua giai đoạn đỉnh điểm và có xu hướng giảm rõ rệt. Bà cho biết các nhà khoa học Nga theo dõi, đánh giá và phân tích chặt chẽ tình hình, trên cơ sở các dữ liệu thu thập được có thể khẳng định sự ổn định của tình hình bệnh dịch COVID-19 tại Nga và xu hướng giảm là rõ ràng. Tuy nhiên, lãnh đạo Rospotrebnadzor khuyến cáo cần tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các yêu cầu vệ sinh phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Theo số liệu của giới chức y tế Nga công bố ngày 22/5, Nga hiện ghi nhận 3.249 ca tử vong do COVID-19 (gồm 150 ca tử vong trong ngày). Trong khi đó, số ca nhiễm bệnh đang là 326.448 người, cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ.
Mỹ Latinh thành tâm dịch mới, Brazil vượt qua Nga
Ngày 22/5, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, tiến sĩ Michael Ryan nhấn mạnh Nam Mỹ đã trở thành một "tâm chấn" mới của đại dịch COVID-19, trong đó Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tiến sĩ Ryan cho biết các nhà chức trách Brazil đã chấp thuận sử dụng rộng rãi thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị bệnh COVID-19. Tuy nhiên, ông Ryan khuyến cáo không sử dụng các loại thuốc trị sốt rét để điều trị COVID-19, nhấn mạnh chỉ sử dụng các loại thuốc này trong thử nghiệm lâm sàng. Tiến sĩ Michael Ryan nêu rõ mặc dù loại thuốc này đã được cấp phép sử dụng điều trị nhiều bệnh, song ở giai đoạn này, chưa xác định được hiệu quả của các thuốc này trong điều trị bệnh COVID-19 hoặc cải thiện sức khỏe của người bệnh.
Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận 19.969 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh vượt qua Nga lên mức 330.890 trường hợp, trong đó có 21.048 ca tử vong (tăng 966 ca so với một ngày trước).
Nhiều quốc gia Mỹ Latinh khác cũng chứng kiến số ca bệnh mới ở mức 4 con số trong ngày 22/5, trong đó Peru hiện ghi nhận số ca mắc COVID-19 là 111.698 ca (tăng 2.929), trong đó có 3.244 ca tử vong, Chile: 61.857 ca bệnh (tăng 4.276) và 630 ca tử vong, trong khi Mexico có 59.567 ca bệnh (tăng 2.973), với 6.510 ca tử vong.
Cùng ngày, Tổng thống Peru Martin Vizcarra thông báo gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia tới 30/6, đi kèm theo nhiều biện pháp hạn chế như cách ly, gianx cách xã hội.
Anh sẽ sớm công bố kế hoạch mở cửa trở lại trường học
Ngày 22/5, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo nước này sẽ công bố kế hoạch mở cửa trở lại các trường học ngay khi có thể.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn trên nêu rõ hướng dẫn sẽ vạch ra kế hoạch mở cửa trở lại trường học một cách an toàn nhất có thể và sớm nhất là từ ngày 1/6, đồng thời cho biết Chính phủ Anh sẽ công bố kế hoạch chi tiết hơn ngay khi có thể.
Trước đó, nhiều giáo viên và nghiệp đoàn ở Anh chỉ trích quyết định của chính phủ nước yêu cầu mở cửa trở lại trường học từ ngày 1/6, cho rằng việc cho trẻ đi học trở lại là quá sớm. Một số ý kiến khác cho rằng thời hạn này khiến họ không có đủ thời gian để chuẩn bị cơ sở vật chất nhằm đảm bảo các quy định về giãn cách xã hội.
Theo trang thống kê worldometers.info, đến 6 giờ sáng ngày 23/5 (giờ Việt Nam), số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Anh là 36.393 ca (tăng 351 ca so với một ngày trước) trong tổng số 254.195 ca nhiễm.
Tây Ban Nha nới lỏng hạn chế ở vùng Madrid
Cùng ngày, cơ quan y tế vùng Madrid của Tây Ban Nha cho biết nhà chức trách nước này có kế hoạch từ ngày 25/5 dỡ bỏ một phần các biện pháp phong tỏa ở vùng này sau khi ghi nhận tốc độ lây lan dịch COVID-19 tại đây chậm lại.
Các hạn chế áp đặt ở Madrid hiện tương tự phần lớn các vùng khác ở Tây Ban Nha, vốn bắt đầu nới lỏng phong tỏa hồi đầu tháng này. Theo đó, các quán bar và nhà hàng ở Madrid có thể mở cửa phục vụ khách ở không gian ngoài trời, trong khi các sự kiện có trên 10 người tham gia cũng được phép.
Tính đến 6 giờ sáng 23/5 (theo giờ VN), Tây Ban Nha có tổng cộng 281.904 trường hợp mắc COVID-19 (tăng 1.787 ca so với một ngày trước), trong đó có 28.628 trường hợp tử vong.
Các nghị sĩ châu Âu kêu gọi khôi phục tự do đi lại xuyên biên giới
Việc đi lại tự do trong Liên minh châu Âu (EU) là điều hiển nhiên đối với hầu hết người châu Âu cho đến hai tháng trước, nhưng những hạn chế được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã dẫn đến việc đóng cửa biên giới nội bộ ở hầu hết các khu vực của châu Âu. Khi tình hình dịch tễ học được cải thiện và kỳ nghỉ Hè sắp đến, các quốc gia đang dần khôi phục tự do di chuyển trong nội khối. Nhiều nghị sĩ châu Âu đã yêu cầu khu vực Schengen trở lại hoạt động bình thường càng sớm càng tốt.
Australia: Lỗi báo cáo, số người nhận trợ cấp dịch giảm một nửa
Bộ Ngân khố và và Cơ quan Thuế Australia ngày 22/5 cho biết số người Australia được nhận trợ cấp theo chương trình Jobkeeper của Chính phủ liên bang do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã được điều chỉnh giảm từ 6,5 triệu xuống còn 3,5 triệu người, do lỗi báo cáo nghiêm trọng.
Sau khi điều chỉnh lại lỗi trên, ước tính ngân sách dành cho gói trợ cấp lương sẽ giảm từ 130 tỷ AUD (84,5 tỷ USD) xuống còn 70 tỷ AUD (45.5 tỷ USD). Chính phủ Australia khẳng định không mở rộng gói trợ cấp trên đối với người lao động thời vụ và lao động nhập cư.
Tính đến hết ngày 22/5, tổng cộng 7.095 ca nhiễm COVID-19 được thông báo tại Australia, trong đó có 101 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Australia chỉ có thêm 14 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong. Mặc dù vậy các bang trong nước này vẫn tiếp tục tranh luận về việc mở cửa đi lại giữa các bang.
Hàn Quốc khám xét các trụ sở của giáo phái Tân Thiên Địa
Các công tố viên Hàn Quốc ngày 22/5 đã tiến hành khám xét các trụ sở của giáo phái Tân Thiên Địa, như một phần của cuộc điều tra đối với cáo buộc giáo phái trên đã ngăn cản các nỗ lực của chính phủ trong việc khống chế dịch COVID-19 trong giai đoạn đầu. Cuộc khám xét đánh dấu cuộc điều tra cưỡng chế đầu tiên nhằm vào giáo phái Tân Thiên Địa kể từ tháng 2 vừa qua, khi một nhóm người, tự nhận là nạn nhân của giáo phái, đệ đơn kiện nhà sáng lập Lee Man-hee, 89 tuổi, tham ô, lơ là trách nhiệm, vi phạm các quy định phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Giáo phái Tân Thiên Địa bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn tới "ổ dịch" lớn nhất nước này, chiếm khoảng 47% tổng số 11.142 ca bệnh tại Hàn Quốc.
Cũng trong ngày 22/5, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 8 ca mắc COVID-19 liên quan đến "ổ dịch" Itaewon, đưa tổng số người mắc bệnh tại đây lên 215 người. Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 11.142 ca mắc COVID-19, trong đó có 264 người tử vong. Cùng ngày, các hãng hàng không Hàn Quốc đã đồng loạt thông báo kế hoạch nối lại các đường bay quốc tế, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu về nước của công dân Hàn Quốc tại nước ngoài.
Trong khi đó, ngày 22/5, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng thêm 6.5 trường hợp, nâng tổng số ca lên 124.794, bao gồm 3.726 ca tử vong (tăng 142 trường hợp trong 24 giờ qua).
Nhật Bản nâng mức cảnh báo đi lại đối với 11 nước
Nhật Bản ngày 22/5 đã nâng mức cảnh báo đi lại đối với 11 nước lên mức độ 3, đồng thời yêu cầu người dân không được đi tới các khu vực này trong bố cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Các nước bị nâng mức cảnh báo gồm Argentina, Ấn Độ, Nam Phi, Afghanistan, Bangladesh, El Salvador, Ghana, Guinea, Kyrgyzstan, Pakistan và Tajikistan.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato cho biết từ đầu tháng 6 tới, Nhật Bản sẽ bắt đầu xét nghiệm COVID-19 đối với 10.000 người ở Tokyo, Osaka và tỉnh Miyagi để tìm kháng thể đối với virus SARS-CoV-2 nhằm hiểu hơn về cơ chế lây lan của dịch bệnh. Trong nỗ lực chống COVID-19, Chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định tạo điều kiện để sản xuất vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng thông qua việc hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất.
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan bắt đầu giai đoạn 3 nới lỏng phong tỏa vào ngày 1/6, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nước này đang ghi nhận đà giảm tích cực. Thái Lan không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 và ca tử vong nào trong 24 giờ qua. Như vậy, đến nay Thái Lan xác nhận 3.037 ca mắc COVID-19, trong đó có 56 ca tử vong.
Trong khi đó, Indonesia duy trì tình trạng khẩn cấp sau ngày 29/5 và hủy sự kiện đón Tết Idul Fitri của người Hồi giáo. Trong ngày 22/5, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia là 634 ca, giảm so với mức kỷ lục 973 ca trong ngày 21/5. Tính đến thời điểm hiện tại, Indonesia có 20.796 ca mắc COVID-19 và 1.326 ca tử vong.
Cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Malaysia thông báo Thủ tướng Muhyiddin Yassin sẽ phải cách ly tại tư dinh 14 ngày sau khi một quan chức tham dự cuộc họp gần đây do ông chủ trì có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Malaysia đến nay phát hiện 7.137 ca mắc COVID-19 và 115 ca tử vong.
Lào đón nhận tin vui trong ngày 22/5 khi bước sang ngày thứ 40 liên tiếp không có ca nhiễm mới. Đến nay, Lào vẫn chỉ có 19 ca mắc COVID-19, trong đó có 14 ca đã hồi phục. Hiện về cơ bản các cửa khẩu quốc tế của Lào tiếp giáp với các nước láng giềng đã được mở cửa trở lại cho các hoạt động vận tải hàng hóa và xuất-nhập cảnh. Trong khi đó, Singapore ghi nhận thêm 614 ca nhiễm mới trong ngày 22/5, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.426. Số ca tử vong vẫn ở mức 23 ca.
Tại khu vực Trung Đông, Israel trong 24 giờ qua không ghi nhận thêm ca tử vong do COVID-19 và hiện số ca tử vong vẫn ở mức 279 người. Đây là lần đầu tiên kể từ 28/3, Israel không có ca tử vong trong ngày vì dịch bệnh. Số ca nhiễm đang là 16.690 ca.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 ở khu vực châu Phi đã ở mức trên 100.000 người. Theo số liệu tổng hợp của hãng AFP công bố ngày 22/5, trên toàn châu Phi hiện có 100.002 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 3.095 trường hợp đã tử vong. Bắc Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó tâm dịch là Ai Cập ghi nhận 696 ca tử vong trong số 15.003 ca nhiễm bệnh. Tiếp đến là Algeria với 575 ca tử vong trong số 7.728 ca nhiễm.
Điều tra thuốc sốt rét hydroxychloroquine làm gia tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân COVID-19
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí y học Lancet, thuốc điều trị sốt rét hydroxychloroquine có liên quan tới việc gia tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các tác giả nghiên cứu khuyến cáo hydroxychloroquine chỉ nên được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng cho đến khi kết quả khẳng định tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này trong điều trị bệnh COVID-19. Các tác giả nhấn mạnh họ chưa thể khẳng định liệu việc sử dụng thuốc này có mang lại hiệu quả cho bệnh nhân COVID-19 hay không.
Nhu cầu về thuốc hydroxychloroquine, vốn được cho phép sử dụng cách đây nhiều thập kỷ, đã gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo loại thuốc này được sử dụng trong điều trị các bệnh nhân COVID-19. Đầu tuần này, ông còn thừa nhận đang sử dụng hydroxychloroquine hằng ngày như một biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 sau khi một số nhân viên Nhà Trắng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.