Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 5.660.246 ca, trong đó có 350.615 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 2.420.105 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm xuống còn 53.052 và 2.889.526 ca đang điều trị tích cực. Xu thế dịch "hạ nhiệt" tiếp tục diễn ra ở hầu hết các nước trên thế giới, xét cả về số ca tử vong và dương tính mới với virus SARS-CoV-2.
Trong 24 giờ qua, thế giới có 3 nước ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức trên 200 ca là Mỹ (695 ca) và Tây Ban Nha (280 ca) và Mexico (239 ca). Số ca mắc mới virus SARS-CoV-2 nhiều nhất trong ngày xảy ra ở Mỹ (17.818 ca) và Nga (8.915 ca); trong khi Mexico ghi nhận số ca tử vong tăng đột biến trong ngày.
Khu vực Mỹ Latinh nói chung và "Xứ sở Samba" nói riêng có nguy cơ trở thành tâm dịch mới khi dịch bệnh đang diễn biến xấu với tốc độ rất nhanh những ngày gần đây. Brazil đã có tổng cộng 377.780 ca mắc COVID-19, trong khi nhà chức trách nước này vẫn chưa triển khai những biện pháp nghiêm ngặt nhằm phòng chống dịch bệnh.
Nhiều nước dần khôi phục hoạt động thường nhật
Mỹ trong 24 giờ qua ghi nhận 695 ca tử vong và 17.818 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca tử vong và mắc bệnh tại nước này lên lần lượt là 100.500 và 1.724.044 ca.
"Xứ sở cờ hoa" tiếp tục là tâm dịch nóng nhất thế giới và là quốc gia đầu tiên có số ca tử vong vì đại dịch vượt quá con số 100.000. Tuy nhiên, nếu xét về các chỉ số ca tử vong và ca mắc bệnh mới, thì xu thế dịch đang có chiều hướng chững lại và hạ nhiệt tại Mỹ.
Hiện hầu hết các tiểu bang của Mỹ đã mở cửa trở lại hoạt động kinh tế và xã hội. Ngay tại "tâm dịch" New York, Thị trường tài chính Phố Uôn cũng đã mở cửa sau hơn 1 tháng đóng băng, các bãi biễn đã được phép đón khách trở lại...
Sáng 26/5 (theo giờ Mỹ), các chỉ số chứng khoán của Phố Uôn đã đồng loạt tăng điểm trong bối cảnh có thêm nhiều hy vọng về vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) chính thức hoạt động trở lại kể từ khi phải tạm đóng cửa vào cuối tháng 3.
Các nhân viên giao dịch cần đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt, cũng như tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Mặc dù nhiều giao dịch có thể thực hiện qua máy tính, cho phép thị trường vận hành bình thường kể cả khi sàn giao dịch phải đóng cửa, song lãnh đạo NYSE khẳng định việc duy trì sàn giao dịch sẽ tạo điều kiện cho hoạt động mua bán cổ phiếu, đặc biệt là trong thời điểm cuối ngày, hoặc khi có công ty mới niêm yết.
Từ ngày 26/5, thủ đô Tokyo của Nhật Bản bước vào giai đoạn 1 nới lỏng phong tỏa do đại dịch COVID-19, với việc mở lại bảo tàng, thư viện và các cơ sở thể thao trong nhà.
Các nhà hàng cũng được phép mở cửa đến 22h, thay vì 20h như trước đây. Hiện chính quyền Tokyo đang xem xét chuyển sang giai đoạn 2, trong đó các phòng tập gym, nhà hát, rạp chiếu phim và trung tâm luyện thi có thể mở cửa trở lại. Các quán karaoke sẽ có thể hoạt động trở lại trong giai đoạn 3.
Trước đó, hôm 25/5, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh COVID-19 tại 5 tỉnh, thành còn lại trên toàn quốc. Với thông báo mới này, chính phủ đã cho phép các công dân tự do đi lại và doanh nghiệp nối lại hoạt động trên cả nước.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến thời điểm sáng 27/5, Nhật Bản ghi nhận 16.581 ca mắc COVID-19 và 830 ca tử vong (chưa tính các trường hợp mắc bệnh và tử vong liên quan đến du thuyền Diamond Princess).
Ngày 26/5, Chính phủ Campuchia quyết định nới lỏng biện pháp cấm hoạt động thể thao sau khi tình hình dịch COVID-19 tại nước này diễn biến tích cực.
Trong một thông báo, Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron cho biết các hoạt động thể thao từ nay sẽ được nối lại, nhưng thi đấu không khán giả. Ngoài ra, các quan chức và vận động viên cần tuân thủ chặt chẽ các khuyến cáo về y tế như không quá 100 người mỗi trận thi đấu, không ôm hoặc bắt tay nhau sau mỗi lần ghi điểm. Các trung tâm thể thao cùng với trang thiết bị phải được khử trùng trước các buổi tập luyện hoặc giải thi đấu.
Hiện tình hình dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này đã cải thiện khi chỉ còn 2 trong tổng số 124 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.
Hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Trung Đông đã thông báo nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Ngày 26/5, giới chức Jordan cho biết các công chức nước này đã bắt đầu đi làm trở lại sau 2 tháng phải ở nhà do lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.
Phần lớn trong tổng số 250.000 công chức của Jordan đã không đi làm kể từ khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp vào giữa tháng 3 vừa qua. Sameh al Nasser, người đứng đầu ủy ban dịch vụ công Jordan, xác nhận khoảng 60% công chức sẽ đi làm trở lại và áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.
Cùng ngày, các nhà thờ tại vùng Đất Thánh đã mở lại cho các tín đồ và du khách tới thăm, trong bối cảnh giới chức Palestine và các nhà thờ nới lỏng các biện pháp hạn chế, vốn được áp đặt nhằm kiểm soát dịch COVID-19 lây lan.
Trong thông báo ngày 26/5, Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết từ tuần này bắt đầu nới lỏng các hạn chế theo từng giai đoạn, theo đó trong 3 ngày cuối tuần này, lệnh giới nghiêm sẽ được dỡ bỏ trong khung giờ từ 6h-15h. Còn từ ngày 31/5 đến ngày 20/6, lệnh giới nghiêm tiếp tục được nới lỏng cho tới 20h. Saudi Arabia sẽ dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa đất nước vào ngày 21/6 tới.
Ngoài ra, hoạt động cầu nguyện tại tất cả các thánh đường bên ngoài thánh địa Mecca cũng được phép nối lại kể từ ngày 31/5.
Saudi Arabia - quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất ở Vùng Vịnh, đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc trong suốt dịp lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Đến nay, quốc gia Vùng Vịnh này có khoảng 75.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 400 ca tử vong.
Cùng ngày, sau hơn hai tháng đóng cửa do dịch COVID-19 bùng phát, các nhà hàng, quán cà phê ở Iran đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 26/5. Quốc gia Trung Đông này từng là một trong những ổ dịch lớn nhất châu Á.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Thứ trưởng Y tế Iran Mohsen Farhadi cho biết tất cả các nhà hàng ở nước này sẽ mở lại trong khi vẫn thực hiện những quy định về y tế. Các quán cà phê cũng bắt đầu mở cửa đón khách nhưng không phục vụ thuốc lá Hukka vốn rất phổ biến ở các quán cà phê và quán trà ở Iran.
Theo trang thống kê worldometers.info, đến nay Iran ghi nhận 139.511 ca mắc COVID-19 và 7.508 ca tử vong.
Cũng trong ngày 26/5, nhà thờ Giáng sinh ở thành phố Bethlehem ở khu Bờ Tây đã mở đón khách tham quan sau gần 3 tháng đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Nhà thờ này là một trong những địa điểm linh thiêng nhất của đạo Thiên Chúa nhưng đã phải đóng cửa ngay trước dịp Lễ Phục sinh - giai đoạn bận rộn trong năm của nhà thờ và thường thu hút hàng nghìn du khách và các tín đồ tới tham quan và hành lễ.
Hầu hết ca nhiễm từng tiếp xúc với người Palestine đang làm việc tại Israel. Chính phủ Israel đã bắt đầu cho mở cửa trở lại các trường học, các cơ sở thờ tự và siêu thị trong bối cảnh đà lây lan của đại dịch COVID-19 đã chậm lại. Theo Bộ Y tế Israel, tính đến ngày 26/5, nước này đã ghi nhận hơn 16.700 ca mắc COVID-19, trong đó có 279 ca tử vong và hơn 14.000 trường hợp đã khỏi bệnh.
Tại châu Âu, Montenegro trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đã hết dịch bệnh COVID-19.
Ngày 26/5, Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic tuyên bố nước này đã khống chế thành công dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi trong 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới và cũng chỉ 69 ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên. Tính tới ngày 25/5, Montenegro ghi nhận 324 ca mắc bệnh và 9 ca tử vong.
Bộ Y tế Ba Lan cũng tuyên bố nước này đã qua đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 dù số ca mắc mới vẫn tăng đều và số ca tử vong vì dịch bệnh cũng đã vượt mốc 1.000.
Hiện Ba Lan ghi nhận tổng cộng 21.631 ca mắc bệnh và 1.007 ca tử vong. Số ca mắc mới trong những tuần gần đây dao động từ 300-400 ca/mỗi ngày, có ngày lên 500 ca.
Trong khi đó, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis tuyên bố quốc gia này và Slovakia sẽ mở lại biên giới trong tuần này, cho phép người dân hai bên qua lại biên giới tối đa trong 48 giờ, bắt đầu từ ngày 27/5, mà không phải tiến hành xét nghiệm hay cách ly.
CH Séc cũng mở cửa biên giới với Áo và Đức từ ngày 26/5 nhưng yêu cầu người nhập cảnh cung cấp chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Hoạt động kiểm tra toàn diện tại biên giới sẽ được thay thế bằng hình thức kiểm tra ngẫu nhiên và vẫn không cho khách du lịch nhập cảnh.
Theo hãng tin Reuters, Hungary, Slovakia và CH Séc bắt đầu mở cửa lại biên giới giữa các nước này với nhau kể từ đêm 26/5 (theo giờ địa phương). Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này đã nhất trí với các đối tác Séc và Slovakia cho phép công dân Hungary, Slovakia và Séc ở lại trên lãnh thổ của nhau không quá 48 giờ mà không cần cách ly.
Hãng tin DPA cũng cho biết Chính phủ Đức đang có kế hoạch dỡ bỏ cảnh báo du lịch đối với 31 quốc gia châu Âu kể từ ngày 15/6 tới, với điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 nằm trong sự kiểm soát cho phép.
Theo đó, Đức sẽ nối lại hoạt động du lịch đối với 26 nước thành viên EU khác và Anh cũng như 4 quốc gia nằm ngoài EU trong khu vực miễn thị thực Schengen gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Berlin đang hy vọng sẽ dỡ bỏ dần cảnh báo du lịch đối với tất cả các chuyến du lịch nước ngoài từ nay cho đến ngày 15/6 nhằm giúp ngành du lịch hồi sinh, cũng như góp phần phục hồi và ổn định kinh tế sau ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 26/5 thông báo sẽ nối lại một phần các dịch vụ quá cảnh tại sân bay quốc tế từ tuần tới.
Sân bay ở Hong Kong là một trong những sân bay sầm uất nhất thế giới, song số lượng khách và số chuyến bay đều đã giảm mạnh do dịch bệnh thời gian qua. Phát biểu với báo giới, Trưởng đặc khu, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thông báo: "Các dịch vụ quá cảnh tại sân bay sẽ được nối lại một phần từ ngày 1/6 tới sau khi phải ngừng hoạt động từ ngày 25/3".
Hong Kong là một trong những nơi đầu tiên ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc. Nhưng đến ngày 26/5, thành phố này không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 11 ngày liên tiếp. Mọi ca nhập cảnh Hong Kong đều không được phép vào thành phố cho đến khi có kết quả xét nghiệm virus. Những người có kết quả dương tính đều bị cách ly ngay lập tức.
Còn nhiều điểm nóng và nguy cơ đại dịch hình thành các ổ dịch mới
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Mỹ, đồng thời là người đứng đầu Tổ chức Y tế châu Mỹ (PAHO), bà Carissa Etienne cho biết WHO đánh giá các quốc gia châu Mỹ là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19 và hiện không phải thời điểm để những nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Phát biểu trong một hội nghị trực tuyến, bà Carissa Etienne cho hay, sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Brazil, tại đây hồi tuần trước đã ghi nhận số ca tử vong do dịch bệnh cao nhất trên thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát, tính trong khoảng thời gian 7 ngày.
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) ngày 26/5 cũng dự báo khu vực Mỹ Latinh - "tâm chấn" mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sắp trải qua những tuần lễ cực kỳ khó khăn về diễn biến tình hình dịch bệnh.
Phát biểu họp báo trực tuyến, Phó Giám đốc PAHO Jarbas Barbosa cho biết khu vực Mỹ Latinh sẽ phải chờ đón những tuần lễ rất khó khăn phía trước, cảnh báo đây không phải là lúc có thể nới lỏng những hạn chế được áp dụng để kiểm soát virus SARS-CoV-2 như chính phủ các nước Brazil, Mexico và Peru đang làm, khi cũng là những nước có số ca mắc cao nhất khu vực.
Giám đốc bộ phận Bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal nhận định tình hình dịch bệnh tại Brazil - quốc gia bị tác động nặng nề nhất do dịch bệnh tại khu vực, sẽ chưa thuyên giảm vào tuần tới và vẫn còn cả một chặng đường dài cần vượt qua.
Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh cũng liên tiếp tăng cao ở Chile, Peru, Ecuador, và Venezuela trong dấu hiệu cho thấy sự lây lan của đại dịch COVID-19 đang tăng tốc. PAHO dự báo tại Nam Mỹ chỉ có Bolivia và Paraguay có thể sẽ ghi nhận mức sụt giảm nhẹ về số ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ông Espinal cũng cho rằng phần lớn các nước Nam Mỹ hiện không thực hiện đủ xét nghiệm để phát hiện người bệnh. Chính vì thế, ông đề nghị tăng cường xét nghiệm trên diện rộng là cách duy nhất để có một bức tranh rõ ràng về diễn biến của dịch.
Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 26/5, khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận tổng cộng 750.232 ca mắc COVID-19. Trong đó, tính tới sáng 27/5, Brazil và Mexico là hai nước có nhiều trường hợp tử vong nhất, lần lượt là 23.622 và 7.633.
Ở châu Âu, ngày 26/5, Bộ Y tế Italy cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát lần hai tại nước này, song khẳng định Italy đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với đợt bùng phát mới.
Phát biểu trên kênh truyền hình Sky TV, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho rằng: "Tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều quan ngại về làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai và những ai chịu trách nhiệm về các quyết định chính trị không thể đánh giá thấp khả năng này, do đó, chúng tôi đã tăng số giường chăm sóc tích cực lên 115%".
Bộ trưởng Speranza khẳng định Italy đã sẵn sàng cho làn sóng thứ hai của dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo người dân sẵn sàng phối hợp với cơ quan y tế, Hội Chữ thập đỏ để tiến hành xét nghiệm huyết thanh, giúp các nhà khoa học có thể nghiên cứu và hiểu rõ hơn về dịch bệnh.
Tại một số quốc gia Đông Âu, nhà chức trách vẫn đang “căng mình” chống dịch.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga cập nhật số liệu cho thấy tính đến hết ngày 26/5, nước này ghi nhận thêm 8.915 ca nhiễm, nâng tổng số lên 362.342 người (tăng 2,5%).
Trong vòng 24 giờ qua Nga có thêm 12.331 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 131.129 người; đồng thời có thêm 174 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 3.807.
Bộ Y tế Ukraine cho biết nước này ghi nhận thêm 339 ca mới, đưa tổng số lên 21.584 ca. Trong vòng 24 giờ, Ukraine có 341 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số ca xuất viện lên 7.575 và 21 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 644 ca.
Bộ Y tế Belarus cho biết tính đến hết ngày 25/5, nước này ghi nhận 37.144 ca nhiễm. Như vậy, so với 1 ngày trước đó, Belarus có thêm 946 ca mới, 294 ca được chữa khỏi (nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 14.449), 5 ca tử vong (nâng tổng số ca tử vong lên 204).
Trong ngày 26/5, sau nhiều ngày khá yên bình và được cho là đã qua đỉnh dịch, Tây Ban Nha cũng chứng kiến số ca tử vong vì COVID-19 tăng cao trở lại với 280 trường hợp.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính 6 giờ sáng 27/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.342 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước.
Trong 24 giờ qua, khu vực chỉ còn hai nước Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Dù trong ngày, khu vực có tới 7 nước ghi nhận các ca mắc mới, song nhìn chung số lượng các ca nhiễm đều giảm so với những ngày trước.
Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 2.506 người dân ở khu vực này, tăng 40 trường hợp so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 34.690 trường hợp.
Trong vòng 1 ngày qua, Indonesia dẫn đầu khu vực về cả số ca mắc và ca tử vong. Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới chính là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với 1.418 người tử vong. Về tổng thể, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines.
Indonesia tiếp tục là điểm dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á. Tính tới sáng 27/5, quốc gia vạn đảo đã ghi nhận tổng cộng 1.418 người tử vong vì virus SARS-CoV-2, tăng 27 trường hợp so với 1 ngày trước. Tới nay, Indonesia cũng có số ca mắc bệnh lên tới 23.165, đứng thứ hai khu vực sau Singapore.
Nội các Thái Lan ngày 26/5 đã quyết định gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 6 theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Trong ngày 26/5, Thái Lan xác nhận thêm 3 ca COVID-19, nhưng đều là những công dân trở về từ nước ngoài và đã được cách ly khi về nước. Như vậy, "xứ sở chùa Phật ngọc" cho tới nay đã ghi nhận tổng cộng 3.045 ca COVID-19, trong đó 2.929 bệnh nhân đã bình phục, 59 bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại bệnh viện và 57 người tử vong.