Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 182.000 ca), Brazil (67.7 ca) và Anh (35.3 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (2.641 ca), Brazil (1.004 ca) và Italy (3 ca).
Nhiều nước đang xúc tiến hoặc đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hàng loạt.
Tuy nhiên, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương kêu gọi thế giới cần thận trọng trong bối cảnh vaccine COVID-19 được triển khai trên toàn cầu, nhấn mạnh vaccine không phải là "phương thuốc thần" có thể chấm dứt được đại dịch đã kéo dài gần một năm qua và cướp đi sinh mạng của hơn 1,6 triệu người.
Ông nêu rõ ban đầu, vaccine sẽ chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế và ưu tiên các nhóm có nguy cơ cao. Điều này đồng nghĩa mỗi cá nhân vẫn cần tuân thủ quy định phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và tránh những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cùng chung quan điểm này, Giám đốc phụ trách tình hình khẩn cấp trong khu vực của WHO Babatunde Olowokure nhấn mạnh thế giới "không được tự mãn, phải duy trì cảnh giác, tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế công". Ông hối thúc các chính phủ đề ra các chiến lược giúp những người trẻ tuổi thực thi các biện pháp này một cách phù hợp.
Châu Âu: Loạt quan chức phải tự cách ly sau khi tiếp xúc Tổng thống Pháp
Tổng thống Pháp mắc COVID-19
Ngày 17/12, Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo Tổng thống Emmanuel Macron đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, do đó ông sẽ tự cách ly trong 7 ngày và sẽ tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh của Pháp. Theo thông báo, Tổng thống Macron sẽ làm việc từ xa và ông sẽ hủy các chuyến công tác sắp tới, trong đó có chuyến công du Liban dự kiến vào ngày 22/12.
Hiện lực lượng chức năng Pháp đang xác định nguồn lây nhiễm. Trước đó, Tổng thống Macron đã tham dự một hội nghị của Hội đồng châu Âu vào ngày 10 và 11/12.
Thủ tướng Pháp Jean Castex đã thực hiện tự cách ly do đã tiếp xúc với Tổng thống Macron. Theo Văn phòng Thủ tướng Pháp, ông Castex đã tiếp xúc với Tổng thống Macron vài ngày trước đây. Hiện Thủ tướng Castex không có triệu chứng bệnh, song sẽ không tham dự cuộc họp ở Thượng viện Pháp trong ngày 17/12 thảo luận kế hoạch về vaccine phòng dịch.
Chủ tịch EC tự cách ly
Ngày 17/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel đang tự cách ly sau khi đã tiếp xúc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo người phát ngôn EC, giới chức Pháp đã thông báo cho Chủ tịch EC Michel rằng ông không phải trường hợp tiếp xúc gần với Tổng thống Macron. Bản thân ông Michel cũng thường xuyên xét nghiệm COVID-19 và đã có kết quả xét nghiệm âm tính vào ngày 15/12. Tuy nhiên, để phòng ngừa, Chủ tịch EC vẫn sẽ tự cách ly.
Thủ tướng Tây Ban Nha tự cách ly
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha cho biết ông Pedro Sanchez đã gặp ông Macron tại Paris vào ngày 7/12 vừa qua. Đoạn băng hình ghi lại cảnh Tổng thống Pháp đón Thủ tướng Tây Ban Nha tại Điện Elysee cho thấy cả hai đều đeo khẩu trang và không bắt tay nhau. Phu nhân Thủ tướng Sanchez - người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 khi dịch bệnh bắt đầu khởi phát hồi tháng 3, sẽ được xét nghiệm COVID-19 lại lần này.
Trước đó, cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp thông báo ông Macron đã mắc COVID-19, do đó, ông sẽ tự cách ly trong 7 ngày và sẽ tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh của Pháp. Bên cạnh đó, ông sẽ làm việc và tiến hành các nhiệm vụ khác từ xa. Tổng thống Pháp cũng sẽ hủy các chuyến công tác sắp tới, trong đó có chuyến công du dự kiến tới Liban vào ngày 22/12.
Thủ tướng Đức có kết quả xét nghiệm âm tính
Ngày 17/12, Chính phủ Đức thông báo Thủ tướng nước này Angela Merkel đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Hồi tuần trước, bà Merkel đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) và có tiếp xúc với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - người vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trước đó cùng ngày.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Văn phòng báo chí chính phủ cho biết Thủ tướng Merkel đã được xét nghiệm chỉ vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh vì đây là thủ tục thường nhật, đồng thời xác nhận xét nghiệm của nhà lãnh đạo Đức đã cho kết quả âm tính. Quan chức này cũng cho biết Thủ tướng Merkel cũng gửi lời chúc Tổng thống Pháp chóng bình phục.
Đức vẫn đang chật vật đối phó với dịch COVID-19 khi có thêm 30.951 ca mắc trong ngày 17/12. Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong một ngày tại Đức. Hiện số ca mắc tại Đức đã lên tới trên 1,43 triệu ca, trong đó có trên 25.100 ca tử vong.
Thủ tướng Bồ Đào Nha tự cách ly
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã tự cách ly, một ngày sau khi ông dùng bữa trưa với Tổng thống Macron tại Paris.
Văn phòng Thủ tướng cho biết ông Costa chưa có triệu chứng nhiễm bệnh và đã được xét ngiệm trong sáng 17/12. Thủ tướng sẽ tự cách ly cho tới khi giới chức y tế có thể xác định "mức độ nguy cơ" của ông. Hiện nhà lãnh đạo này đã hủy bỏ mọi kế hoạch làm việc trước mắt, trong đó có các chuyến thăm tới Sao Tome & Principe và Guinea-Bissau, hai quốc gia châu Phi từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha.
Châu Mỹ: Trên 5 triệu ca mắc mới trong một tuần
Chỉ trong vòng một tuần, châu Mỹ đã ghi nhận tới 5 triệu ca mắc mới COVID-19, trong đó nhiều nhất vẫn là Mỹ, Canada.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), công bố ngày 16/12, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nước châu Mỹ đã ghi nhận khoảng 31 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 787.000 ca tử vong, chiếm gần một nửa số ca nhiễm và tử vong trên toàn thế giới. Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết chỉ trong vòng một tuần trước, đã có gần 5 triệu ca nhiễm với virus SARS-CoV-2, trong đó nhiều nhất tại khu vực Bắc Mỹ, nơi Mỹ và Canada tiếp tục là những điểm nóng của dịch bệnh. Riêng tại Canada, số ca nhập viện đã tăng đột biến, càng làm gia tăng lo ngại về tình trạng quá tải trong hệ thống y tế. Trong khi đó, Mỹ đã ghi nhận ngày có số người tử vong cao nhất - lên tới hơn 3.700 người, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên hơn 314.000 ca.
Tại khu vực Trung Mỹ, PAHO nhấn mạnh rằng Panama và Belize là những quốc đảo có số ca nhiễm mới đang gia tăng, trong khi Honduras, El Salvador, Guatemala và Nicaragoa lại ghi nhận số ca nhiễm mới giảm hơn so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, quan chức PAHO cảnh báo xu hướng giảm này vẫn chưa chắc chắn, do bão Eta và Lota dự đoán đổ bộ vào những nước này có thể tác động đến hệ thống y tế ghi nhận số ca mắc COVID-19.
Tại Nam Mỹ, Brazil và Colombia là những nước báo động khi có số ca nhiễm mới tăng cao nhất khu vực trong tuần qua. Ngày 16/12, Brazil đã ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục với hơn 70.000 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 của nước này vượt 7 triệu người và số ca tử vong là 180.000 ca, cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Con số kỷ lục trên chưa bao gồm số liệu hàng ngày của Sao Paulo, bang đông dân nhất của Brazil, nơi được coi là tâm dịch của quốc gia này. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua Brazil ghi nhận hơn 900 người tử vong/ngày trong nhiều ngày liên tiếp.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, giới chức y tế Mỹ thông báo sẽ mở rộng chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các bác sĩ và y tá tuyến đầu. Theo đó, đợt đầu tiên 2,9 triệu liều là vaccine của Pfizer/BioNtech đang được triển khai trong ngày thứ ba tại 66 điểm tiêm chủng trên toàn quốc.
Tương tự, Chính phủ Brazil cũng thông báo sẽ triển khai 5 giai đoạn tiêm chủng đại trà các loại vaccine ngừa COVID-19 cho toàn bộ 210 triệu dân của nước này trong vòng 16 tháng.
Châu Á
Hàn Quốc gia hạn cảnh báo đặc biệt về việc ra nước ngoài
Ngày 17/12, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã gia hạn một tháng đối với cảnh báo đặc biệt về hoạt động đi ra nước ngoài trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành.
Khuyến cáo kêu gọi người dân Hàn Quốc không nên ra nước ngoài trừ các chuyến đi thực sự cần thiết, còn những người đang ở nước ngoài cũng cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa bổ sung. Biện pháp này sẽ có hiệu lực đến ngày 16/1/2021 và có thể tiếp tục được gia hạn. Bộ trên cho biết quyết định gia hạn được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước bên ngoài duy trì lệnh hạn chế nhập cảnh và đa số các chuyến bay quốc tế vẫn bị đình chỉ do lo ngại dịch COVID-19.
Ngày 17/12 cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại Hàn Quốc đã tăng lên trên 1.000 ca, với các ổ lây nhiễm trên khắp cả nước tiếp tục gia tăng một cách báo động. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới trong ngày là 1.014 ca, giảm nhẹ so với con số kỷ lục 1.078 ca của ngày 16/12. Trong số các ca mắc mới có 993 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số ca tử vong tại Hàn Quốc tăng thêm 22 ca, cao hơn con số 13 ca của một ngày trước. Như vậy, đến nay tổng số ca mắc tại Hàn Quốc là 46.453 ca với 634 ca không qua khỏi.
Trung Quốc không có thêm ca lây nhiễm cộng đồng
Ủy ban Y tế quốc gia thông báo Trung Quốc trong ngày 16/12 ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19, đều là các ca nhập cảnh. Nước này không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng và không có thêm ca tử vong.
Tính đến hết ngày 17/12, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 86.777 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong, 81.842 ca được chữa khỏi bệnh.
Australia: Bang New South Wales ráo riết truy vết nguồn bệnh
Nhà chức trách y tế bang New South Wales (NSW) của Australia đang ráo riết truy vết nguồn gốc các ca mắc mới COVID-19 sau khi phát hiện một cụm dịch ở thành phố Sydney thuộc bang này. Hàng trăm nghìn người ở thành phố lớn nhất Australia này đã được khuyến cáo ở trong nhà, trong khi các trung tâm xét nghiệm khẩn cấp đang được gấp rút hoàn thiện.
Sau khi công bố 2 ca mắc mới tại khu vực Northern Beaches ở phía Bắc NSW vào ngày 16/12, giới chức y tế bang NSW ngày 17/12 cho biết số ca mắc ở cụm dịch này đã tăng lên 17 ca. Tất cả 250.000 cư dân ở Northern Beaches được yêu cầu hạn chế đi lại và tụ tập đông người trong 3 ngày tới, trong khi những người ở nơi khác được khuyến cáo không lui tới khu vực này.
Trong khi đó, Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian đã ban bố lệnh phong tỏa các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở khu vực Northern Beaches.
Trước khi xuất hiện cụm dịch mới ở Northern Beaches, bang NSW đã trải qua 12 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới nào trong cộng đồng. Đầu tuần này, chính quyền bang đã dỡ bỏ lệnh làm việc tại nhà sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm.
Australia đã ghi nhận hơn 28.000 ca mắc COVID-19 và 908 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát. Tính đến ngày 16/12, đa số các ca bệnh đang điều trị ở nước này là ca từ nước ngoài được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Châu Phi: Nam Phi vượt ngưỡng 10.000 ca mắc mỗi ngày
Bộ Y tế Nam Phi ngày 17/12 thông báo số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở nước này đã vượt ngưỡng 10.000 ca, trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm đang tăng theo cấp số nhân.
Trên trang mạng Twitter, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize cho biết tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi hiện là 21%, vượt xa tỷ lệ 10% được cho là "lý tưởng" để kiểm soát dịch bệnh.
Nam Phi đã khống chế được làn sóng lây nhiễm đầu tiên bùng phát hồi tháng 7 vừa qua với số ca mắc mới ở mức trên 12.000 ca mỗi ngày. Đến tháng 9, số ca mắc mới đã giảm dần xuống còn 1.000 ca/ngày, song đến đầu tuần này lại tăng vọt lên mức 8.000 ca/ngày. Trước tình hình này, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã phải công bố một loạt hạn chế mới, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm và đóng cửa các bãi biển ở khu vực Đông Nam.
Western Cape là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trong làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Nam Phi, tiếp đến là Kwazulu-Natal ở Đông Nam và thủ đô tài chính Johannesburg.
Tính đến hết ngày 16/12, Nam Phi ghi nhận 23.827 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 883.7 ca mắc bệnh. Số ca mắc COVID-19 ở nước này chiếm hơn 1/3 số ca mắc trên toàn châu Phi.
Kế hoạch tiêm chủng ở các nước
Saudi Arabia bắt đầu triển khai tiêm chủng
Ngày 17/12, Saudi Arabia đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 theo kế hoạch đề ra. Bộ trưởng Y tế nước này, ông Tawfig al-Rabiah đã được tiêm chủng ngay trong ngày đầu tiên này.
Trước đó một ngày, Saudi Arabia đã tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Đến nay, cơ quan chức năng nước này đã tiếp nhận yêu cầu tiêm vaccine miễn phí của hơn 150.000 cá nhân. Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Saudi Arabia gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 dành cho người có nguy cơ lây nhiễm cao; giai đoạn 2 dành cho người trên 50 tuổi và giai đoạn tiếp theo tiêm chủng đại trà nhằm đảm bảo tiêm chủng cho công dân và người nước ngoài đang lưu trú tại nước này.
Đức công bố kế hoạch triển khai tiêm chủng
Bộ trưởng Y tế nước này Jens Spahn ngày 17/12 thông báo tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch triển khai chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 từ ngày 27/12.
Ông Jens Spahn đưa ra thông báo ngay trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel có cuộc gặp với lãnh đạo hãng sản xuất vaccine BioNTech. Theo ông Spahn, Đức sẽ triển khai chương trình tiêm chủng nếu cơ quan chức năng EU cấp phép lưu hành vaccine đúng thời gian dự kiến.
EU mua thêm vaccine của Pfizer/BioNTech
Liên quan đến việc thu mua vaccine ngừa COVID-19, hãng tin Rerters dẫn lời một số quan chức EU và văn bản nội bộ cho biết khối này sẽ quyết định mua bổ sung hơn 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phát triển sau khi gạt bỏ thỏa thuận mua bán này hồi tháng 7.
Sự thay đổi này là do một số vaccine tiềm năng mà EU đặt mua có thể giao chậm hơn dự kiến do sự chậm trễ trong quá trình thử nghiệm. Vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer/BioNTech đồng phát triển và sản xuất là loại vaccine đầu tiên được nhà quản lý dược phẩm phương Tây cấp phép lưu hành, trong đó có Anh và Mỹ. EMA - Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu dự kiến cấp phép lưu hành vaccine vào ngày 21/12 tới.
27 nước thành viên EU có kế hoạch bắt đầu chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 trong cùng một ngày để biểu thị tình đoàn kết nhằm vượt qua đại dịch. Hiện dư luận đang gây sức ép để EU phê chuẩn việc lưu hành vaccine phòng COVID-19, để bắt kịp Mỹ và Anh - vốn đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho người dân loại vaccine do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) bào chế.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) lên kế hoạch nhóm họp để thảo luận việc cấp phép cho vaccine của Pfizer/BioNTech vào ngày 21/12 tới, nhanh hơn 1 tuần so với dự kiến ban đầu.
Theo quy định, các nước EU có thể tự tiến hành chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, song EC muốn các nước phối hợp cùng nhau để đảm bảo không nước nào bị bỏ lại phía sau.