Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 31/5: Thế giới vượt 171 triệu ca mắc; Dịch nghiêm trọng tại Nam Mỹ

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 7.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.800 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 171 triệu ca, trong đó trên 3,55 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Bogota, Colombia ngày 22/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (153.485 ca), Brazil (43.520 ca) và Argentina (21.346 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ấn Độ (3.129 ca), Brazil (789 ca) và Colombia (535 ca).

Như vậy, số ca mắc và tử vong trong 24 giờ qua tiếp tục giảm ở Ấn Độ. Trong đó, số ca mắc mới đã xuống dưới ngưỡng 200.000 ca/ngày, còn số ca tử vong tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Trong khi diễn biến COVID-19 bớt căng thẳng tại Ấn Độ thì một số quốc Nam Mỹ lại nghiêm trọng hơn. Brazil, Argentina và Colombia đều nằm trong danh sách 3 quốc gia có số ca mắc hoặc tử vong cao nhất thế giới trong 24 giờ qua. Đây cũng là ba quốc gia đứng đầu Nam Mỹ về tổng số ca mắc và tử vong tính từ đầu đại dịch.

Các bang ở Ấn Độ gia hạn phong tỏa

Chú thích ảnh
Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một nghĩa địa ở New Delhi, Ấn Độ ngày 22/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Ấn Độ, chính quyền vùng thủ đô Delhi, các bang Tamil Nadu và Kerala cũng quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh.

Cụ thể, lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô Delhi và Tamil Nadu lẽ ra sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/5 nhưng sẽ được gia hạn đến ngày 7/6.

Tuy nhiên, chính quyền Delhi nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực xây dựng và sản xuất.

Trong khi đó, biện pháp chống dịch tại Kerala cũng dự kiến kết thúc vào ngày 31/5, nhưng sẽ được gia hạn đến ngày 9/6 tới.

Tổng số ca tử vong tại Thái Lan vượt 1.000 

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 8/4/2021. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan đã vượt 1.000 ca với 24 ca được xác nhận trong ngày 30/5.

Giới chức y tế Thái Lan ngày 30/5 cho biết nước này ghi nhận thêm 4.528 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 1.902 ca trong các nhà tù. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới được ghi nhận vượt mốc 4.500 ca. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan từ trước tới nay là 154.307 ca, trong đó có 1.012 người không qua khỏi.

Hiện nay, các quan chức y tế Thái Lan đặt ưu tiêu phân phối vaccine COVID-19 ở Bangkok trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng tới để tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân vào tháng 7 tới. Đối với các tỉnh khác, việc phân bổ vaccine sẽ thay đổi tùy theo mức độ lây nhiễm của từng khu vực.

Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Opas Karnkawinpong cho biết DDC chịu trách nhiệm đảm bảo số lượng vaccine từ các hãng AstraZeneca, Sinovac, Pfizer và Johnson & Johnson. Ông Opas cho biết số lượng này sẽ gần đạt mục tiêu 150 triệu liều của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.

Kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện được công bố cùng ngày cho thấy đa số người dân Thái Lan muốn Chính phủ xúc tiến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và cải thiện nền kinh tế đang chùng xuống của đất nước.

Campuchia ghi nhận tình trạng lây nhiễm gia tăng ở tỉnh giáp thủ đô

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 30/5, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 579 ca mắc mới COVID-19 trong bối cảnh tỉnh Kandal giáp thủ đô Phnom Penh vừa ra thông báo đưa một số địa điểm trong tỉnh vào danh sách “Khu vực Đỏ” do tình trạng lây nhiễm gia tăng trở lại. 

“Khu vực Đỏ” tại tỉnh Kandal hiện nay gồm một số điểm thuộc làng Peam Reang Leu (xã Peam Reang commune, huyện Leuk Dek). “Khu vực Vàng sậm” và “Khu vực Vàng” gồm một số điểm thuộc các làng Thmei, Prek Ta Tuon và Peam Reang Leu (đều thuộc xã Peam Reang, huyện Leuk Dek). Peam Reang là xã nằm cạnh Hạ lưu sông Mekong, gần bờ phía Tây cầu Neak Leung, cách thủ đô Phnom Penh 60km.

Trong khi đó, tại tỉnh Svay Rieng giáp biên giới Việt Nam, Sở Y tế tỉnh này đã kêu gọi toàn bộ các công nhân nhà máy You Li (thuộc Đặc khu kinh tế Shandong Bavet) tại địa phương cách ly triệt để sau khi phát hiện 300 người mắc COVID-19. Giám đốc Sở Y tế Svay Rieng, ông Ke Ratha, cho biết toàn bộ các công nhân sẽ cách ly ngay tại nhà máy để tránh virus lây lan cho người thân và cộng đồng. Cho đến nay, riêng tại tỉnh Svay Rieng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 820 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 782 công nhân Campuchia và người nước ngoài. 

Tính đến ngày 30/5, Campuchia đã có 29.404 ca COVID-19, với 22.188 người được điều trị bình phục và 209 ca tử vong.

Dịch bệnh ở Philippines tiếp tục phức tạp  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines đã ghi nhận 7.058 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca COVID-19 tại quốc gia này lên 1.223.627 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á là 20.860 ca, cao hơn 139 ca so với một ngày trước đó. Theo số liệu từ Bộ Y tế Philippines, tổng cộng 12 triệu trên tổng số 110 triệu dân nước này đã được xét nghiệm kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020. Trước đó, ngày 28/5, Philippines ghi nhận hơn 8.000 ca mắc mới, mức cao nhất trong vòng một tháng qua. 

Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết số ca mắc mới tại vùng đô thị Manila và các vùng phụ cận tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm đang chậm lại trong những tuần gần đây. Trong khi đó, tất cả các vùng ở tỉnh Visayas, miền Trung Philippines, đều ghi nhận số ca mắc mới tăng dần.  Các ca mắc mới cũng tăng liên tục ở tất cả các vùng ở đảo Mindanao, miền Nam Philippines, trong đó có 3 vùng ghi nhận tốc độ tăng nhanh hơn trong tuần này. Bộ Y tế nước này kêu gọi tất cả các chính quyền địa phương tăng cường biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bối cảnh xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Nam Phi, Anh và Ấn Độ.

Colombia ghi nhận số ca tử vong trong ngày ở mức cao

Chú thích ảnh
Nhân viên nhà tang lễ chuẩn bị chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Cali, Colombia, ngày 27/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, Colombia ghi nhận 535 ca tử vong và 20.218 ca mắc mới, nâng tổng số ca tử vong và ca mắc từ đầu dịch lên 88.282 và trên 3, triệu ca. Số ca tử vong 535 vẫn ở mức cao dù đã giảm so với ngày trước đó.

Trước đó, Bộ Y tế Colombia cho biết nước này ghi nhận số ca tử vong trong ngày do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 540 ca tử vong ngày 29/5.

Đến nay, Colombia đã tiêm hơn 9,3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó trên 3,2 triệu người đã được tiêm đủ liều vaccine.

Canada kéo dài thời hạn sử dụng vaccine AstraZeneca

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Toronto, Canada, ngày 22/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Canada đã cho phép kéo dài thêm một tháng thời hạn sử dụng của gần 50.000 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca (Anh-Thụy Điển). 

Trong thông báo, Bộ Y tế Canada cho biết hai lô vaccine của AstraZeneca có hạn sử dụng đến ngày 31/5/2021 sẽ được gia hạn đến ngày 1/7/2021. Quyết định này được đưa ra dựa trên "bằng chứng khoa học". Thông báo nêu rõ sự thay đổi này sẽ đảm bảo các tỉnh bang và vùng lãnh thổ của Canada có thể tận dụng số vaccine hiện có trong kho để tiêm cho người dân. 

Một người phát ngôn của Bộ Y tế Canada cho biết, tính đến ngày 22/5, Canada còn khoảng 49.000 liều vaccine AstraZeneca có hạn sử dụng đến ngày 31/5, chủ yếu là ở Ontario - tỉnh bang đông dân nhất nước này. 

Các điểm tiêm chủng tại Ontario cuối tuần này đã gấp rút tiêm hàng nghìn liều vaccine AstraZeneca trước ngày hết hạn 31/5. Ontario đã cố gắng phân phối lại kho dự trữ 45.000 liều vaccine AstraZeneca sắp hết hạn sử dụng này, nhưng quá trình kiểm tra chất lượng đã khiến việc phân phối bị chậm trễ. 

Theo Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI), vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca đã chứng minh hiệu quả trung bình ở mức khoảng 62% đối với những người trong độ tuổi từ 18-64.

Vaccine AstraZeneca chỉ chiếm một phần nhỏ trong chiến dịch tiêm chủng của Canada. Bộ Y tế Canada cho biết, tính đến ngày 27/5, hơn 26,1 triệu liều vaccine các loại đã được phân phối đến các tỉnh bang và vùng lãnh thổ của nước này, trong đó 2,8 triệu liều là vaccine AstraZeneca. 

Cho đến nay, 55,6% dân số Canada đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó 5% đã tiêm đủ liều. Canada hiện ghi nhận trên 1,37 triệu ca mắc COVID-19, với trên 25.500 ca tử vong.

Hà Lan tăng tốc nới lỏng các biện pháp phong tỏa

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Amsterdam, Hà Lan ngày 21/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo nước này sẽ đẩy nhanh việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 5/6 tới, sớm hơn 4 ngày so với dự kiến trước đó.

Từ ngày 5/6, mỗi người Hà Lan sẽ có thể tiếp đón 4 người mỗi ngày, so với 2 người như hiện nay. Bảo tàng, rạp chiếu phim và rạp hát cũng có thể mở cửa trở lại. Nhà hàng và quán cà phê được phép phục vụ tối đa 50 khách cả trong nhà và ngoài trời, nhưng phải đặt trước và ngồi cố định. Thời gian mở cửa phục vụ từ 06h00 đến 22h00 hàng ngày. Các hoạt động thể thao theo nhóm cũng sẽ được phép nối lại với sự tham gia tối đa của 50 người.

Kể từ ngày 30/6, Hà Lan sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, mỗi gia đình sẽ được đón 8 khách tại nhà và sức chứa tối đa của các nhà hàng và quán cà phê sẽ được tăng lên 100 người. Dịch vụ ăn uống được mở cửa đến nửa đêm. Ngoài ra, các cuộc thi, lễ hội sẽ được phép tổ chức với tối đa 75% người tham dự. Các câu lạc bộ cũng được phép mở cửa trở lại. Những người tham dự sẽ được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ngay từ lối vào, trong khi quy định giãn cách 1,5m sẽ được bỏ.

Theo Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge, những người trên 18 tuổi sẽ phải đợi đến giữa tháng 7 để được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Theo ông, chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 tại Hà Lan bị trì hoãn khoảng 2 tuần do vấn đề nguồn cung tại nhà sản xuất Janssen.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang có dấu hiệu giảm ở Hà Lan, song mỗi ngày quốc gia này vẫn phát hiện hơn 3.000 trường hợp dương tính. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hà Lan có trên 1,64 triệu trường hợp nhiễm bệnh, trong đó trên 17.600 người tử vong.

Nam Phi nâng mức phong tỏa toàn quốc lên cấp độ 2

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Pretoria, Nam Phi, ngày 17/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nam Phi sẽ nâng mức phong tỏa lên cấp độ 2 trên quy mô toàn quốc, bắt đầu từ ngày 31/5, trong bối cảnh các ca COVID-19 đang tăng nhanh những ngày gần đây.

Trong thông điệp quốc gia được phát sóng trực tiếp lúc 19h ngày 30/5 (giờ địa phương), Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố nước này đang chuẩn bị bước vào làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 3 và việc nâng mức phong tỏa lên cấp độ 2 với nhiều quy định hạn chế giao tiếp xã hội khắt khe hơn là điều cần thiết.

Theo Tổng thống Ramaphosa, trong một tuần qua, cả nước có trung bình hơn 3.700 ca nhiễm mới mỗi ngày. Tỷ lệ ca nhiễm mới đã tăng hơn gấp đôi so với tháng trước, từ khoảng 4% lên hơn 11%, bất chấp việc chính phủ đã tăng cường kiểm tra trên toàn quốc. 

Theo thống kê, số ca mắc COVID-19 ở các tỉnh Free State, Northern Cape, North West và Gauteng đã đạt đến ngưỡng của làn sóng lây nhiễm thứ 3, trong khi các địa phương còn lại được dự đoán cũng sẽ sớm đến ngưỡng này.

Ông Ramaphosa chỉ trích các cuộc tụ tập đông người là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc gia tăng lây nhiễm, nhất là việc tổ chức các đám tang và các sự kiện thể thao ở trường học. Ông nhấn mạnh việc người dân Nam Phi đã trở nên mất cảnh giác sau hơn một năm áp dụng lệnh phong tỏa cấp 5 – cấp cao nhất – và đã không còn tuân thủ nghiêm túc các quy định bao gồm đeo khẩu trang và thực hành giãn cách xã hội cũng khiến tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng.

Kể từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Nam Phi vào ngày 5/3/2020 đến nay, quốc gia cực Nam châu Phi này đã có 1.659.070 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 56.363 người đã tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 30/5: Cả khối vượt 4 triệu ca mắc; Thái Lan vượt 1.000 ca tử vong
COVID-19 tại ASEAN hết 30/5: Cả khối vượt 4 triệu ca mắc; Thái Lan vượt 1.000 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 30/5, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 25.558 ca mắc COVID-19 và 390 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 4 triệu ca, trong đó 78.531 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN