Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 7/12: Thế giới vượt 67 triệu ca bệnh; 14 nước có trên 1 triệu ca mắc

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 503.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 67 triệu ca, trong đó trên 1,54 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 6/11. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 150.000 ca), Ấn Độ (32.272 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (30.402 ca). 

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.023 ca), Mexico (593 ca) và Italy (564 ca). 

Đã có 14 quốc gia ghi nhận tổng cộng trên 1 triệu ca bệnh.

Xét theo khu vực, châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau khi có trên 18,4 triệu ca bệnh, tiếp đó là Bắc Mỹ ghi nhận 17,54 triệu ca bệnh, châu Á với trên 17,5 triệu ca bệnh. Khu vực Nam Mỹ hiện ghi nhận trên11,5 triệu ca nhiễm, châu Phi có trên 2,2 triệu bệnh nhân và châu Đại Dương có 45.918 ca nhiễm.

Châu Mỹ

Canada ghi nhận 2 kỷ lục không mong muốn trong một ngày

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại British Columbia, Canada ngày 3/12. Ảnh: THX/TTXVN

Canada đã ghi nhận 2 kỷ lục không mong muốn trong ngày 5/12 liên quan đến tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo kênh truyền hình CTV, tỉnh Quebec đã ghi nhận tới 2.031 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 5/12, phá mốc ghi nhận ngày 1/12 là 1.513 ca. Đây cũng là lần đầu tiên tại Canada, số ca nhiễm mới theo ngày chỉ tại một tỉnh vượt quá con số 2.000 ca.

Trong khi đó, tại tỉnh Ontario, một kỷ lục mới về số ca nhiễm cũng được xác lập khi ghi nhận tới 1.859 ca nhiễm mới trong ngày 5/12, tăng 4 ca so với mốc cao cũ ghi nhận trong ngày 27/11.

Như vậy tính đến 6h sáng 7/12, Canada đã có tổng cộng 412.929 ca mắc COVID-19, trong đó 12.642 ca tử vong.

Bà Theresa Tam, người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada cho biết dù đang nỗ lực chuẩn bị triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 song chiến dịch này dự báo sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức về hậu cần và vận chuyển. Vì vậy, người dân Canada cần tiếp tục duy trì các biện pháp chống dịch như các cơ quan chức năng đã đề ra. Theo bà Tam, nguồn cung vaccine ban đầu dự kiến có thể phục vụ người dân vào đầu năm 2021 và mặc dù nguồn cung hạn chế ngay từ đầu, nhưng Canada đã chuẩn bị tốt để tiếp cận được với nguồn vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả cho tất cả mọi người.

Mỹ ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 3/12. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận trên 150.000 ca mắc mới và trên 1.000 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là trên 15,1 triệu và 288.800.

Trước đó, với gần 228.000 ca mắc mới trong ngày 5/12, Mỹ phá mọi kỷ lục về số ca nhiễm mới tính theo ngày. Theo thống kê của đại học Johns Hopkins công bố ngày 5/12, đây là ngày thứ ba liên tiếp, số ca nhiễm mới tại nước này lập kỷ lục mới. Với 2.527 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này cũng lên tới hơn 280.000 ca. Cá biệt trong ngày 2/12, Mỹ ghi nhận 2.879 ca tử vong. Chỉ trong 4 ngày qua, số ca tử vong đã tăng từ 270.000 (ghi nhận ngày 1/12), lên hơn 280.000 ngày 5/12.

Số người nhập viện do COVID-19 cũng tăng dần đều trong những ngày qua, đặc biệt là tại các bang đông dân như California, Florida, New York và Texas.

Giới chức Mỹ cảnh báo một làn sóng mới có thể vẫn ở phía trước do hàng triệu người dân đã đổ đi du lịch và hội họp bạn bè trong dịp lễ Tạ ơn tuần trước bất chấp những cảnh báo từ chính quyền. Trong suốt 2 tuần qua, Mỹ thường xuyên ghi nhận trên dưới 2.000 ca tử vong/ngày, con số đã từng đẩy nước này vào tình trạng khủng hoảng trong đợt dịch đầu tiên hồi mùa Xuân vừa qua. 

Châu Âu

Bồ Đào Nha nới lỏng quy định về COVID-19 dịp Giáng sinh

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 20/11. Ảnh: THX/TTXVN

Chính phủ Bồ Đào Nha tuyên bố nước này sẽ nới lỏng các quy định liên quan tới dịch COVID-19 trong giai đoạn lễ Giáng sinh nhằm cho phép người dân thăm người thân, song các biện pháp sẽ được thắt chặt một lần nữa vài ngày sau đó để ngăn chặn các buổi tiệc vào đêm giao thừa. 

Phát biểu với phóng viên, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết, lệnh cấm đi lại trong nước sẽ không được áp đặt trong giai đoạn 23-26/12, song việc đi lại giữa các vùng của Bồ Đào Nha sẽ bị cấm trở lại vào dịp năm mới. Theo ông Costa, các buổi tiệc trên đường phố sẽ bị cấm vào ngày 31/12, hoạt động tụ tập bên ngoài sẽ được hạn chế với tối đa là 6 người và tất cả người dân cần phải về nhà trước 2h sáng.

Nga ghi nhận số ca nhiễm mới tính theo ngày cao nhất 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu điện ngầm ở Moskva, Nga ngày 4/12. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 6/12, giới chức y tế Nga cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 29.039 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới tính theo ngày cao nhất từ trước đến nay ở Nga.

Với diễn biến mới trên, tổng số ca mắc COVID-19 đã là 2.460.770 ca, trong đó 1.937.7 ca đã bình phục. Trong khi đó, 24 giờ qua, Nga có thêm 457 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 43.141 ca. Hiện Nga đứng thứ 4 trên thế giới về số ca nhiễm. Moskva vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 7.512 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 647.562 ca.

Tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo bắt đầu tiến hành tiêm chủng diện rộng vaccine ngừa COVID-19 kể từ tuần tới khi số liều vaccine được sản xuất đạt mức 2 triệu liều. Ngày 4/12, Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin thông báo thủ đô này bắt đầu chương trình tiêm chủng từ ngày 5/12. Đội ngũ nhân viên thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế và xã hội của thành phố sẽ là những người đầu tiên thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm chủng vaccine.

Đức kéo dài biện pháp phong tỏa

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 27/11. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đức, theo số liệu Viện dịch tễ Robert Koch (RKI), trong 24 giờ qua nước này có thêm 14.750 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên trên 1,18 triệu ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 184 ca, lên 19.159 ca.

Trước tình trạng dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở làn sóng thứ hai này, tuần qua, chính phủ liên bang và chính quyền 16 bang nước này đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa từng phần hiện nay đến ngày 10/1/2021.

Ngày 6/12, phát biểu họp báo, Thủ hiến bang Bayern Markus Soeder cho biết khu vực miền Nam nước Đức này sẽ áp đặt phong tỏa chặt chẽ hơn kể từ giữa tuần sau cho đến ngày 5/1/2021. Mọi người dân địa phương chỉ được phép rời nhà khi có lí do chính đáng và sẽ có nới lỏng phần nào vào lễ Giáng sinh nhưng không phải cả dịp Năm Mới.

Châu Á

Hàn Quốc nâng mức giãn cách xã hội ở Seoul và vùng phụ cận

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 27/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Hàn Quốc ngày 6/12 đã quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức 2,5 ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận bắt đầu từ 21h (giờ địa phương) sau khi ghi nhận 631 ca nhiễm mới COVID-19 sáng cùng ngày.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), đây cũng là mức tăng số ca bệnh cao nhất trong vòng 9 tháng qua, thể hiện mức độ nghiêm trọng của làn sóng COVID-19 lần thứ ba.

Theo cấp độ giãn cách xã hội mới này, mọi hoạt động tụ tập trên 50 người đều bị cấm ở khu vực Seoul và vùng phụ cận. Việc nâng mức độ giãn cách xã hội này sẽ có hiệu lực trong ít nhất 3 tuần, tới cuối tháng 12. Mức giãn cách xã hội cao nhất do chính phủ Hàn Quốc quy định hiện nay là mức 3, cấm tụ tập trên 10 người.

Điều đáng lo ngại trong làn sóng dịch bệnh lần thứ ba là chỉ 15,8% ca nhiễm mới xác định được nguồn lây nhiễm, không như hai đợt trước khi ổ dịch bùng phát từ các địa điểm tập trung đông người như câu lạc bộ đêm, nhà dưỡng lão, bệnh viện hay nhà thờ. Quyền Thị trưởng Seoul Seo Jeong-hyup cho rằng mùa Đông lạnh giá càng khiến tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc khó kiểm soát hơn vì người dân ở cùng nhau trong những không gian kín.

Campuchia tăng cường giám sát các cơ sở kinh doanh

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trung tâm thương mại ở Phnom Penh, Campuchia ngày 9/8. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 6/12, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo người đứng đầu chính quyền các tỉnh/thành giám sát chặt chẽ tất cả các cơ sở kinh doanh, đề nghị các cơ sở này thực hiện đúng biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi tiếp tục phát hiện thêm một ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong thông điệp gửi tới báo chí Campuchia cùng ngày, Thủ tướng Hun Sen lưu ý rằng có một số cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng các nguyên tắc phòng dịch, một số quan chức địa phương đã bất cẩn, là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng lây nhiễm COVID-19 cộng đồng vừa qua tại nước này.

Người đứng đầu Chính phủ Campuchia cảnh báo nếu cơ sở kinh doanh nào không tuân thủ đúng các quy định, sẽ bị đóng cửa hoạt động tạm thời. Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: “Chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đảm bảo giãn cách xã hội và cá nhân, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh giữa khách hàng và người bán hàng”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen tái khẳng định rằng nước này sẽ không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan tới những diễn biến phức tạp hiện nay của dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia ngày 2/9. Ảnh: THX/TTXVN

Trong thông điệp gửi tới báo giới Campuchia sáng 6/12, Thủ tướng Hun Sen cho biết ông đã dự thảo xong một sắc lệnh Hoàng gia và gửi thư tới Quốc vương Campuchia Norodom Sihanoni, cũng như một số nghị định và thư gửi Chủ tịch Quốc hội và Thượng viện Campuchia về việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tuy nhiên, ông khẳng định: “Dù sao, tôi cũng không muốn làm việc này vì nền kinh tế sẽ bị đình trệ hoàn toàn. Nếu tôi đóng cửa cả nước, hoặc một số tỉnh, thành như Phnom Penh hoặc đâu đó, cả hệ thống kinh tế sẽ tê liệt. Nhưng tôi có thể thay vào đó bằng một số nỗ lực của chính quyền các cấp, đặc biệt là sự tham gia của các công dân”.

Sáng 6/12, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã phát hiện thêm một ca lây nhiễm COVID-19 cộng đồng liên quan tới “Sự kiện cộng đồng 28/11”, trường hợp bùng phát lây nhiễm cộng đồng đầu tiên tại Campuchia. Ca lây nhiễm này được xác định là một nam giới, 21 tuổi, sống ở gần chùa Sansam Kosal, thuộc phường Boeung Tompun - quận Khan Meanchey thuộc thủ đô Phnom Penh. Nam bệnh nhân này làm việc cho cửa hàng Carl's Jr Burger, hiện đã được điều trị tại Trung tâm y tế Chak Angre ở thủ đô Phnom Penh. 

Cho đến ngày 6/12, Bộ Y tế Campuchia xác nhận nước này đã có 346 ca mắc COVID-19, trong đó có 30 trường hợp lây nhiễm cộng đồng kể từ hôm 28/11. Trong số này, 306 người đã được điều trị bình phục và không có ca tử vong.

Lào phong tỏa đặc khu kinh tế tại Luang Namtha

Chú thích ảnh
Nhà chức trách Lào yêu cầu xét nghiệm mọi trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 từ ngày 5/12. Ảnh: tapchilaoviet.org

Ủy ban chuyên trách quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 Lào đã ra thông báo phong tỏa đặc khu kinh tế tại tỉnh Luang Namtha, miền bắc Lào, yêu cầu xét nghiệm mọi trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 từ ngày 5/12.

Lệnh phong tỏa này được ban hành sau khi có hai người đàn ông Trung Quốc ở Chương Châu, Phúc Kiến hát karaoke tại một cửa hàng ở Myanmar trước khi nhập cảnh trái phép bằng đường thủy vào huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo cuối tháng 11 vừa qua. Khi tìm cách vượt biên về nước bằng đường tiểu ngạch tại khu vực đặc khu kinh tế Boten, tỉnh Luang Namtha đã bị công an Trung Quốc phát hiện. Kết quả xét nghiệm cho thấy hai người này dương tính với virus SARS-CoV-2.

Theo đó, Ủy ban chuyên trách quốc gia về phòng chống COVID-19 Lào yêu cầu cơ quan chức năng phong tỏa toàn bộ huyện Tonpheung và đặc khu kinh tế Boten ở tỉnh Luang Namtha, không cho phép hoạt động ra-vào những khu vực này trong vòng 14 ngày.

Thông báo cũng yêu cầu áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 toàn bộ người có triệu chứng bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc bị sốt. Đồng thời, Ủy ban chuyên trách cũng yêu cầu cơ quan chức năng 2 tỉnh Bokeo, Luang Namtha truy vết 7 người có tiếp xúc gần với 2 người Trung Quốc bị phát hiện nhiễm COVID-19 trên.

Tính đến ngày 6/12, Lào ghi nhận tổng cộng 39 ca nhiễm COVID-19 trên cả nước, trong đó còn 13 người đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Mittaphab ở thủ đô Viêng Chăn.

Châu Phi

Tunisia gia hạn lệnh giới nghiêm

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Tunis, Tunisia, ngày 8/10. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 6/12, Bộ Y tế Tunisia thông báo lệnh giới nghiêm có hiệu lực kể từ tháng 10/2020 nhằm hạn chế COVID-19 lây lan sẽ được gia hạn trên phạm vi toàn quốc đến ngày 31/12 tới.

Theo Bộ Y tế Tunisia, lệnh giới nghiêm cấm các hoạt động đi lại từ 20h00 hôm trước đến 5h00 sáng hôm sau theo giờ địa phương cũng như cấm tụ tập hơn 30 người cho các sự kiện cá nhân. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang vẫn là bắt buộc và các quán cà phê có thể đóng cửa vào lúc 19h00 nhưng phải dỡ bớt ghế từ 16h00 để hạn chế đám đông.

Tunisia áp đặt lệnh giới nghiêm từ đầu tháng 10 ở một số thành phố lớn và mở rộng trên quy mô toàn quốc vào cuối tháng 10. Sau khi áp đặt các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt ngay từ sớm, từ tháng 3-6/2020, Tunisia đã thành công trong việc ngăn chặn đại dịch, nhưng IMF dự báo GDP của nước này giảm 7% trong năm 2020.

Tuy nhiên, hiện đất nước 11 triệu dân này đã vượt qua ngưỡng 100.000 trường hợp mắc COVID-19. Đến thời điểm hiện tại, Tunisia đã ghi nhận tổng cộng 104.002 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.561 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.011 ca mắc bệnh mới và 35 ca tử vong.

Nam Phi nhận lô vaccine đầu tiên vào giữa năm 2021 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi ngày 22/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 6/12, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này nhiều khả năng sẽ tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào giữa năm 2021 sau khi hoàn thành quá trình đàm phán về việc thanh toán cho những nhà cung cấp.

Trong một thông báo cùng ngày, Bộ Y tế Nam Phi cho biết lô vaccine đầu tiên mà nước này sẽ tiếp nhận từ COVAX – một sáng kiến được xây dựng để cung cấp các loại vaccine ngừa COVID-19 cho những nước nghèo - sẽ chỉ đủ để thực hiện việc tiêm chủng cho khoảng 10% tổng dân số 59 triệu người tại nước này.

Cũng theo bộ trên, hiện Quỹ Đoàn kết chống COVID-19 – một tổ chức từ thiện của Nam Phi, đã đồng ý chi 22 triệu USD tiền đặt cọc để mua lô vaccine có tổng trị giá 131 triệu USD này. Theo kế hoạch thông báo từ các nhà sản xuất thuộc liên minh COVAX, Nam Phi sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên vào khoảng cuối quý 2 năm 2021.

Trong khi đó, Bộ Y tế Nam Phi cho biết ngoài việc mua vaccine của liên minh COVAX, chính phủ nước này cũng đang tìm hiểu nguồn cung khác từ các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới như Johnson & Johnson, Novavax Inc, hay từ liên minh sản xuất vaccine giữa 3 công ty AstraZeneca Plc, Pfizer Inc và BioNtech.

Tuy nhiên, theo cơ quan y tế Nam Phi, để thực hiện việc mua trực tiếp từ những hãng dược phẩm, bên cạnh việc cần chuẩn bị đủ nguồn tài chính để chi trả, nước này cần chuẩn bị tốt công tác hậu cần để tiếp nhận và bảo quản vaccine – loại dược phẩm đòi hỏi việc cấp đông ở nhiệt độ cực thấp.

Liên quan đến diễn biến dịch COVID-19 tại Nam Phi, hôm 3/12 vừa qua, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã tuyên bố quyết định tiếp tục gia hạn tình trạng thảm họa quốc gia đến ngày 15/1/2021 trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại một số địa phương của nước này tăng mạnh. 

Tính đến hết ngày 6/12, Nam Phi có 814.565 ca mắc COVID-19, trong đó bao gồm 22.206 trường hợp tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nữ hoàng Anh sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau vài tuần nữa
Nữ hoàng Anh sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau vài tuần nữa

Nữ hoàng Anh Elizabeth II (94 tuổi) và Hoàng thân Philip (99 tuổi) sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech sau một vài tuần nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN