Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, sau tín hiệu ban đầu đáng khích lệ, các biện pháp tái phong tỏa được chính phủ nhiều nước châu Âu áp dụng hiện chưa đem lại kết quả khả quan. Tại Pháp, dù các chỉ số cho thấy dịch đang có chiều hướng giảm, song số ca mắc mới vẫn ở mức cao, xung quanh ngưỡng 10.000 ca/ngày.
Tình hình cũng không mấy khả quan hơn ở những nước láng giềng của Pháp. Tại Bỉ, Trung tâm Khủng hoảng nước này mới đây khẳng định, số ca mắc mới không tăng, nhưng số trường hợp phải nhập viện lại không hề giảm. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã cảnh báo nước này sẽ phải mất thêm nhiều thời gian để đảo ngược tình hình như mong muốn khi đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Trong 7 ngày qua, chỉ số lây nhiễm ở Đức là 145 ca/100.000 dân, cách khá xa so với mục tiêu 50 ca/100.000 dân mà Đức hướng tới để giới chức y tế có thể truy vết và phá vỡ các chuỗi lây nhiễm.
Italy vẫn là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19. Với 634 ca tử vong trong ngày 8/12, quốc gia Nam Âu đã ghi nhận số nạn nhân tử vong do đại dịch vượt ngưỡng 61.000. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Italy hiện ở mức 3,47%, trong khi con số này ở Tây Ban Nha và Pháp lần lượt là 2,75% và 2,35%.
Do dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng hơn từ nhiều tuần nay, chính phủ Italy đã thông báo một loạt biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vào dịp nghỉ lễ cuối năm, như cấm di chuyển giữa các vùng từ ngày 21/12 tới 6/01/2021. Thủ tướng Giuseppe Conte cảnh báo "chặng đường vẫn còn dài" và Italy cần phải ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 có thể xảy ra từ tháng 1/2021 với mức độ tương đương lần 2.
Tại Đức, Giáng sinh là ngày lễ gia đình quan trọng, vì thế, phần lớn chính quyền các bang ở Đức muốn duy trì các cuộc gặp gia đình lên tới 10 người, không kể trẻ em dưới 14 tuổi. Sau ngày lễ, lệnh phong tỏa mạnh mẽ sẽ được áp đặt. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, chính phủ Đức có thể họp khẩn trước lễ Giáng sinh.
Còn ở Pháp, do mức dưới 5.000 ca mắc mỗi ngày vẫn chưa thể đạt được, nên việc chính phủ dự kiến gỡ bỏ lệnh phong tỏa hiện tại vào ngày 15/12 vẫn chưa được cân nhắc lại. Dự kiến Hội đồng quốc gia về COVID-19 của Pháp sẽ nhóm họp trong tuần này.
Hiện châu Âu đang cân nhắc về chiến lược tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian sắp tới. Đến nay EU đã ký 6 hợp đồng đặt mua trước vaccine COVID-19, tương đương hơn 1,5 tỷ liều, và tỷ lệ vaccine phân phối sẽ được xác định theo tỷ lệ dân số của 27 quốc gia thành viên.
Bên cạnh đó, việc cấp phép cho vaccine của Pfizer và BioNTech thương mại hóa trên thị trường châu Âu đang được trông đợi trong những ngày tới. Ngày 8/12, Vương quốc Anh - nước ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, đã bắt đầu tiến hành tiêm phòng đại trà vaccine ngừa COVID-19, bất chấp sự lo ngại của một số nhà khoa học.