Tiếp sau Pháp tuyên bố tái phong tỏa toàn quốc và Đức nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Anh cũng đang chịu nhiều áp lực phải áp đặt các biện pháp tương tự do số ca mắc COVID-19 tại vùng England đã tăng gấp đôi chỉ trong 9 ngày qua.
Theo nghiên cứu của trường Đại học Hoàng gia London và Ipsos MORI, tính đến ngày 25/10, tỷ lệ mắc mới COVID-19 tại địa phương này thống kê được là 128 ca/10.000 người, tăng mạnh so với mức 60 ca/10.000 người ghi nhận ngày 16/10. Không chỉ tăng về số lượng, mà các nhóm dân cư mắc bệnh cũng phổ biến ở tất cả độ tuổi và khu vực. Trong khi đó, số ca tử vong cũng tăng mạnh. Chỉ trong ngày 28/10, England đã ghi nhận thêm 310 ca tử vong và cũng là ngày thứ hai liên tiếp số ca tử vong trên 300. Tình trạng gia tăng đáng lo ngại trên đang tạo ra thách thức lớn đối với chiến lược áp đặt các biện pháp phong tỏa cục bộ của Thủ tướng Boris Johnson tại những khu vực dịch bùng phát mạnh nhất. Miền Bắc England hiện là khu vực bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất.
Cuối tháng 3 vừa qua, Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc để chống đại dịch COVID-19, với việc đóng cửa toàn bộ các cửa hàng không thiết yếu, trường học... buộc hàng triệu người phải làm việc từ xa. Các biện pháp này đã được gỡ bỏ vào tháng 6 khi số ca mắc COVID-19 giảm. Từ tháng 9 đến nay, khi số ca mắc tăng trở lại, Thủ tướng Johnson đã không ủng hộ những lời kêu gọi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc đợt hai do lo ngại nền kinh tế đình trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Thay vào đó, hiện tại vùng England của Anh đã áp đặt một loạt biện pháp theo 3 cấp độ, tùy thuộc vào số ca nhiễm ở từng khu vực khác nhau. Tuy nhiên, theo nhật báo The Sun, giới khoa học Anh hiện muốn áp đặt các lệnh nghiêm ngặt hơn khi số ca mắc và nhập viện đều rất cao.
Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, ngày 28/10, đã có thêm 5 vùng, trong đó có thủ đô Madrid, thông báo phong tỏa nội bộ trước dịp "Ngày lễ Các thánh" diễn ra vào ngày 1/11 hằng năm để ngăn chặn tốc độ lây nhiễm dịch COVID-19. Chính quyền vùng thủ đô Madrid dự kiến đóng cửa từ ngày 30/10 đến hết ngày 2/11. Cá biệt tại một số vùng duyên hải, như Murcia ở Đông Nam và Andalusia ở Tây Nam đất nước, cùng vùng Castilla và Leon, Castilla-La Mancha, lệnh phong tỏa được đề xuất kéo dài đến hết ngày 9/11.
Một số nhà dịch tễ học thậm chí cảnh báo rằng trong những tuần tới các chính phủ châu Âu có thể không thể kiểm soát được nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục gia tăng như hiện nay và áp đặt các lệnh phong tỏa mới gần như là tất yếu.